Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:29 (GMT +7)
“Nóng” cuộc cạnh tranh trên thị trường thuốc điều trị COVID-19
Thứ 7, 02/04/2022 | 22:34:42 [GMT +7] A A
Nhóm phân tích từ Công ty PHS cho rằng các công ty dược có cơ sở sản xuất với trình độ cao sẽ có nhiều lợi thế hơn để nắm thị phần thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2022.
Dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi lớn trong ngành chăm sóc sức khỏe và dược phẩm nên nhu cầu tiêu dùng thuốc từ các sản phẩm như vitamin và các sản phẩm hỗ trợ miễn dịch tới vaccine COVID-19 tăng cao; vaccine COVID-19 cũng đang trở thành yếu tố cạnh tranh mới của các doanh nghiệp dược phẩm.
Đại dịch khiến nhu cầu thuốc tăng cao
Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), năm 2021, người tiêu dùng gia tăng chi tiêu mua thuốc qua kênh OTC (bán thuốc không kê đơn, chủ yếu tại nhà thuốc). Động lực tăng trưởng của kênh OTC đến từ các sản phẩm như vitamin và các sản phẩm hỗ trợ miễn dịch.
Năm 2022, nhu cầu đối với thuốc qua kênh OTC sẽ được duy trì bởi COVID-19 có thể sẽ trở thành phổ biến, cuối cùng sẽ giảm dần về mức độ nghiêm trọng và hòa vào bối cảnh của cuộc sống bình thường hằng ngày. Giống như các loại vi rút đường hô hấp khác, COVID-19 và mùa cúm có thể thường xuyên xuất hiện cùng nhau trong tương lai.
Thống kê ở Mỹ cho thấy có từ 7-23% người nhiễm COVID-19 bị tái nhiễm. Thời gian trung bình để ghi nhận sự tái nhiễm là 70 ngày sau lần nhiễm đầu tiên. Để phục hồi sau đợt tái nhiễm, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp điều trị tương tự như đợt nhiễm đầu tiên hoặc điều trị triệu chứng. Do đó, nhu cầu về vitamin và các sản phẩm hỗ trợ miễn dịch sẽ được duy trì. Bên cạnh đó, triển vọng tốt hơn cho thuốc trên kênh ETC (kênh đấu thầu thuốc tại sở và bệnh viện) trong năm 2022.
Vào năm 2022, với khả năng miễn dịch ở cấp độ dân số ngày càng tăng, số người mắc bệnh nặng và tử vong sẽ giảm đáng kể. Điều này sẽ làm giảm bớt áp lực do dịch COVID-19 lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Công suất bệnh viện sẽ được dành nhiều hơn để điều trị các bệnh khác.
Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao, người cao tuổi sẽ tự tin đến bệnh viện thường xuyên hơn so với năm 2021, từ đó tạo ra nhu cầu sử dụng thuốc trên kênh ETC tăng mạnh.
Theo PHS, nhiều bệnh viện cho biết một số lượng lớn được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe liên quan đến di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần sau khi nhiễm COVID-19.
Nhiều bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thành lập khoa điều trị sau COVID-19. Do đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe sau COVID-19 sẽ tạo ra sự thúc đẩy cho các loại thuốc ETC.
Nhờ nỗ lực của quốc gia trong việc tự cung cấp thuốc kháng COVID-19 vào năm 2022, nhu cầu về thuốc kê đơn sẽ tăng vào năm 2022. Hơn nữa, xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước đang tiến triển nhanh hơn nhờ các quy định của Nhà nước.
Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có quy định thuốc nhóm V và nhóm II không được tham gia dự thầu, nếu thuốc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn WHO-GMP và EU-GMP có cùng hoạt chất chính (API) và nếu năng lực sản xuất của công ty có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bệnh viện.
Cuộc đua mới
Nhóm phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng các công ty dược có cơ sở sản xuất với trình độ cao sẽ có nhiều lợi thế hơn để nắm thị phần thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2022
Hiện nay, thuốc có chứa các thành phần hoạt tính, chẳng hạn như Molnupiravir, Remdesivir, Sotrovimab, Baricitinib, 2-Deoxy D Glucose (2-DG), kháng thể đơn dòng như Casirivimab và Imdevimab, Bamlaivimab và Etesevimab... đang được phát triển và nghiên cứu để điều trị COVID-19 trên thế giới.
Tại Việt Nam, đã có 10 công ty thực hiện nghiên cứu và phát triển về thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Có 3 trong số đó đã được cấp phép chính thức sản xuất Molnupiravir, trong khi 7 công ty còn lại đang bổ sung hồ sơ để được Cục Quản lý Dược phê duyệt.
Do đó, dự kiến sẽ có nhiều công ty hơn trong những tháng tới được chấp thuận. Các công ty có cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn cao như EU-GMP, Japan-GMP sẽ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua giành thị phần thuốc kháng COVID-19 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam có 39 công ty được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc kháng COVID-19. Molnupiravir được phát triển bởi Công ty dược Merck & Co. của Mỹ và Công ty Ridgeback Biotherapeutics Miami của Đức, dựa trên một nghiên cứu từ Đại học Emory ở Atlanta tiểu bang Georgia, Mỹ.
Cả 3 bên đều tham gia vào thỏa thuận cấp phép sản xuất sẽ không thu bất kỳ khoản phí nào từ các công ty được cấp phép lại. Do đó, điều này sẽ làm cho Molnupiravir có giá cả phải chăng hơn.
Vì COVID-19 sẽ trở thành đặc hữu, dựa trên tình hình dịch COVID-19 hiện tại ở Việt Nam, PHS ước tính thị trường Molnupiravir (Việt Nam) sẽ trị giá hơn 582 triệu USD. Vì Molnupiravir là thuốc kê đơn, bệnh nhân sẽ cần đơn của bác sỹ hoặc xét nghiệm PCR để cho phép mua thuốc tại các hiệu thuốc địa phương.
Vào giữa tháng Hai vừa qua, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho 3 công ty sản xuất viên uống kháng virus COVID-Molnupiravir, chỉ được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân ở mức độ nhẹ đến trung bình. Theo đó, 3 công ty này là Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hóa chất Mekopha và Stellapharm J.V.Co., Ltd. - Chi nhánh 1.
Một số công ty được quyền nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc kháng COVID-19 có cổ phiếu niêm yết trên sàn là Công ty Cổ phần Dược phẩm Đồng Nai (mã chứng khoán: DPP); Công ty Cổ phần Dược phẩm Enlie (mã chứng khoán: BCP); Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tĩnh (mã chứng khoán: HDP); Công ty Cổ phần Dược phẩm Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG); Công ty Cổ phần Dược phẩm TW 25 (mã chứng khoán: UPH); Công ty Cổ phần Dược phẩm 2/9 (mã chứng khoán: NDP); Công ty Cổ phần Dược phẩm Phong Phú (mã chứng khoán: PPP); Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương (mã chứng khoán: DHD); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (mã chứng khoán: DMC)
Công ty Cổ phần Dược phẩm Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG) đang được Cục Quản lý Dược phê duyệt sản xuất thuốc Monuvir 400. Dự kiến với công nghệ hiện đại của nhà máy đạt tiêu chuẩn Japan-GMP, Dược Hậu Giang sẽ sớm đưa thuốc ra thị trường.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng chuyển giao quy trình thí điểm tổng hợp Molnupiravir cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sinh dược phẩm Hera. Công ty sẽ triển khai các nghiên cứu lâm sàng và sản xuất thuốc trong thời gian tới.
Chứng khoán PHS cho rằng nhiều khả năng các công ty như Công ty Cổ phần Dược phẩm Đạt Vi Phú, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (mã chứng khoán: DMC), Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm (mã chứng khoán: AGP) có thể tham gia thị trường trong tương lai.
Một cơ hội khác xuất hiện với thuốc Paxlovid (thuốc kháng virus dạng uống điều trị COVID-19) của Pfizer - doanh nghiệp dược phẩm đa quốc gia của Mỹ, làm tăng sức nóng của cuộc cạnh tranh sản xuất thuốc điều trị COVID-19 vào năm 2022.
Tương tự như Molnupiravir, Paxlovid của Pfizer được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Molnupiravir giảm 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở bệnh nhân COVID-19 không nhập viện trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng, trong khi tỷ lệ này của Paxlovid là khoảng 89% trong vòng 3 ngày điều trị và 85% đối với bệnh nhân điều trị trong vòng 5 ngày.
Ngày 20/11/2021, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Pfizer đề nghị hỗ trợ các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc Paxlovid của Pfizer.
Pfizer đã đồng ý với đề xuất này. Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) để đăng ký trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện.
Điều này sẽ mở ra một cơ hội khác cho các công ty trong nước tham gia vào thị phần thuốc điều trị COVID-19. Các công ty được trang bị kỹ năng thực hành và cơ sở vật chất chuyên nghiệp, chẳng hạn như Medochemie sẽ dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh này.
Thực tế, Quốc hội đặt mục tiêu là năm 2022, Việt Nam sẽ cấp phép sản xuất vaccine trong nước, nhằm mục tiêu tự chủ vaccine. Hiện Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine COVID-19, bao gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi, vaccine của Cuba và Ấn Độ.
Nano Covax được nghiên cứu bởi các nhà khoa học của Công ty Nanogen và Học viện Quân y, trong khi COVIVAC do Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) nhận gia công sản xuất vaccine COVID-19 Sputnik V do Nga nghiên cứu và phát triển. Arcturus đã cấp giấy phép độc quyền cho Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare (Công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup) sản xuất vaccine COVID-19 mang tên VBC-COV19-154.
Công ty Nhật Bản Shionogi đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 với hai công ty Việt Nam là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vaccine Vabiotech và Công ty Cổ phần Quốc tế Tiến bộ.
Một loại vaccine giá rẻ Covaxin do Công ty Bharat Biotech International Limited (Ấn Độ) phát triển có thể được chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam vào năm 2022. Đặc biệt, vào tháng 2/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo chuyển giao công nghệ mRNA để sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Thực tế, giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành dược trong năm nay. Theo khảo sát của Vietnam Report, có tới 62,5% các chuyên gia và doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng năm 2022 ngành dược sẽ khả quan hơn, trong khi 12,5% chuyên gia và doanh nghiệp dự đoán ngành dược sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ có 6,25% trong số họ cho rằng tăng trưởng năm 2021 sẽ thấp hơn một chút so với năm 2021./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()