Bệnh hô hấp tăng nặng
Từ ngày trời chuyển nồm, bà Nguyễn Thị Thơm (67 tuổi, Hà Nội) thường xuyên khó thở, vã mồ hôi về đêm, ho nhiều, đau đầu, đau hốc mũi, đêm trằn trọc không ngủ được. Nhập viện khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh vào đầu tháng 2, bác sĩ chẩn đoán bà bị hen phế quản, viêm xoang chuyển nặng do thay đổi thời tiết. Sau một tuần điều trị với kháng sinh, thuốc dự phòng hen, xịt rửa mũi, sức khỏe bà tiến triển tốt, không còn khó thở, mũi họng thông thoáng, dễ chịu, được điều trị ngoại trú. Bà Thơm kể lại, do trời nồm lâu ngày, quần áo phơi không khô, gia đình bà thường phải mặc quần áo còn ẩm, nhà luôn có mùi ẩm mốc, khó chịu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết mới chớm xuân nhưng số ca bệnh hô hấp tại khoa tăng mạnh. Riêng trong 3 tuần sau Tết, số ca hen phế quản, viêm họng, viêm xoang đến khám và điều trị tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước, cao hơn trung bình 20-30% so với trước Tết. Trong số này, đa phần là người lớn tuổi, có bệnh mạn tính như hen suyễn, COPD, bệnh tim mạch. Diễn biến bệnh phức tạp, nhiều ca trở nặng, đặc biệt là người cao tuổi. Có trường hợp bệnh nhân vừa khỏe mạnh xuất viện được vài ngày đã phải quay trở lại điều trị do bệnh tái phát.
Đáng chú ý, khoa Hô hấp ghi nhận số ca mắc cúm, đặc biệt là cúm A có xu hướng tăng, xuất hiện những trường hợp cả gia đình cùng mắc bệnh do lây chéo từ nhau. Điển hình là trường hợp vợ chồng chị Duyên, 30 tuổi, đưa con trai đến khoa Hô hấp khám ngày 3/2 do bé bị sốt, đau họng, thở khò khè. Kết quả test cúm cho thấy bé dương tính với cúm A. Ngay sau đó, bố mẹ bé cũng có kết quả tương tự.
Chị Duyên kể con bắt đầu có triệu chứng từ khi còn ở quê ăn Tết, nhưng vì bận việc, chị chưa đưa con đi khám được và cũng không chủ động giữ khoảng cách. Ngoài vợ chồng chị, ông bà ở quê tiếp xúc nhiều với bé trai cũng đang có triệu chứng nghi mắc cúm.
Tại khoa Nhi một số bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội... số trẻ nhập viện có tăng hơn so với trước Tết. Trẻ đến khám đa số bị viêm phế quản, tiểu phế quản và một số bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu.
Bác sĩ Ngân cho biết số ca mắc bệnh hô hấp tăng nhanh phần lớn do thời tiết thay đổi, nồm ẩm kéo dài. Độ ẩm không khí thường xuyên vượt trên 90% khiến virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi mạnh, trong đó phải kể đến phế cầu khuẩn và một loạt các virus gây nhiễm trùng hô hấp khác như rhinovirus, adenovirus, virus cúm (Influenza virus).
Bên cạnh đó thiếu ánh nắng mặt trời, không khí lưu thông kém cũng là một trong những lý do khiến các tác nhân gây bệnh "lơ lửng" trong không khí, tích tụ lại và tấn công đường thở. Ngoài ra "đặc sản" trong những ngày nồm là nấm mốc và mùi hôi cũng dễ kích thích đường hô hấp, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng, gây khởi phát hen suyễn, viêm mũi dị ứng...
Phát bệnh dị ứng do nồm ẩm
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Ninh, khoa Nội Tổng hợp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cùng với bệnh hô hấp, các bệnh dị ứng cũng có xu hướng tăng, nhiều nhất là tổn thương da do thay đổi thời tiết. Hôm 8/2, khoa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 42 tuổi, nhập viện trong tình trạng ban mày đay toàn thân, ngứa ngáy. Khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết bắt đầu ngứa nhiều từ khi trời chuyển nồm, nhiều lần tiếp xúc với mưa lạnh. Bệnh nhân được điều trị với thuốc kháng histamin và một số thuốc điều trị đặc hiệu khác, kết hợp thay đổi lối sống, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sấy khô quần áo trước khi mặc theo lời dặn của bác sĩ. Sau 3 ngày, người bệnh hết ban, hết ngứa.
Bác sĩ Ninh lý giải, bệnh dị ứng gia tăng mùa nồm ẩm do nồng độ nấm mốc, vi khuẩn, phấn hoa trong không khí tăng cao. Hệ miễn dịch nhận diện đây là các vật thể lạ nên tạo ra kháng thể chống lại chúng, từ đó giải phóng các chất trung gian hoá học. Trong đó histamin là một trong những chất trung gian hoá học phổ biến, gây ra các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, nổi mày đay, ngứa da và mắt, nặng hơn có thể khó thở, sốc phản vệ.
Hiện tại đang là đợt nồm ẩm đầu tiên của mùa xuân. Theo quy luật thời tiết hàng năm, từ tháng 2-4 sẽ diễn ra nhiều đợt nồm ẩm liên tiếp, dài ngắn khác nhau. Bác sĩ Ninh cảnh báo nếu chủ quan, không bảo vệ cơ thể trước các dị nguyên, vi khuẩn, virus sẽ rất dễ nhiễm bệnh, thậm chí tái nhiễm nhiều lần. Thêm nữa, giai đoạn sau Tết là thời điểm tổ chức nhiều lễ hội tập trung đông người, nguy cơ cao lây lan các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, cúm, rubella... thậm chí có thể bùng phát thành dịch.
Bác sĩ Ninh khuyến cáo, người dân nên cần nâng cao hệ miễn dịch để tăng sức chống chọi với bệnh tật bằng cách ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, rau xanh; uống đủ nước.
Để cải thiện chất lượng không khí trong nhà những ngày nồm, gia đình có thể dùng máy hút ẩm, bật điều hòa chế độ khô. Mỗi người tuyệt đối không phơi quần áo trong phòng vì như thế sẽ khiến phòng thêm ẩm ướt, giải phóng hóa chất giặt xả có hại vào không khí; quần áo phải được sấy khô hoàn toàn trước khi mặc, không mặc khi còn ẩm vì có thể gây nhiễm lạnh, nấm da, mẩn ngứa. Các đồ dùng vải trong nhà như giường nệm, ghế, rèm cửa, thảm trải sàn... cần giữ khô ráo, sạch sẽ, tránh để ẩm mốc. Người dân tham gia lễ hội cần đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người trong không gian kín, tiết chế đốt nhang, tránh để khói nhang nồng nặc ảnh hưởng đến đường thở.
Ý kiến ()