Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 20/01/2025 06:23 (GMT +7)
Nơi nuôi dưỡng những ước mơ không lời
Thứ 5, 18/11/2021 | 08:10:57 [GMT +7] A A
Mặc dù không được công nhận là cơ sở giáo dục chuyên biệt, thế nhưng từ nhiều năm nay, Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh vẫn đang chăm lo, dạy dỗ cho hàng chục trẻ em khuyết tật khiếm thính trên địa bàn tỉnh. Ở đó có những lớp học lặng im, không tiếng giảng bài, không lời phát biểu, nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những nụ cười, những hy vọng và ước mơ…
Lớp học lặng thinh
Nằm sâu trong một con phố nhỏ trên địa bàn phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của những gia đình có con em không may bị khuyết tật khiếm thính. Đây cũng là cơ sở công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo theo mô hình chuyên biệt.
Bên trái khoảnh sân nhỏ của Cơ sở bảo trợ là một dãy nhà 4 tầng phục vụ cho việc học của trẻ. Những lớp học đơn sơ, thinh lặng. Một lớp học không hề thấy thanh âm, không có tiếng giảng bài, cũng không có tiếng đọc ê a của lũ trẻ, đâu đó chỉ vang lên những tiếng cười, tiếng chòng ghẹo, tiếng ú ớ không thể thoát ra được thành lời của các em nhỏ.
Khi chúng tôi đến, các em đang trong giờ học Tiếng Việt. Cô giáo Vũ Thị Lan, người đã dành cả 11 năm tuổi trẻ của mình để nuôi dạy học sinh khiếm thính, đang nắn nót trên bảng từng nét chữ của bài “Ngày đầu tiên đi học”. Ở phía dưới, các em đều chú ý lên bảng say sưa tập đọc, thi thoảng có em quay sang hỏi bạn, nhưng tất cả chỉ bằng ký hiệu từ đôi bàn tay. Tiếng phấn viết lên bảng lạch cạch.
Sau khi đọc to bài học để các con nhận biết được khẩu hình, cô Lan yêu cầu cả lớp phát âm, đây là một trong những nội dung không hề đơn giản. Bởi các con không nghe được, không nói được, những âm thanh phát ra đều không tròn trịa, thậm chí đối với nhiều bạn, đó chỉ giống như những tiếng ú ớ, người ngoài không hiểu được.
Giữa những âm thanh ấy, có một giọng nữ khá tròn, khá dễ nghe, đó là Phạm Nguyên Ngọc Thư, cô bé chừng 16 tuổi, đến từ TP Hạ Long. Không thể như những đứa trẻ bình thường, thế nhưng may mắn hơn các bạn cùng cảnh ngộ, Thư nói tròn tiếng hơn, mặc dù có những từ khó, em không thể phát âm. Cùng với một chút may mắn, Thư là một cô bé rất chăm chỉ luyện tập dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, vì thế mà em nói tốt hơn so với các bạn.
"Trong 3 môn học dành cho trẻ khiếm thính, Tiếng Việt là môn học khó nhất với trẻ trong lớp học tại đây. Bởi các con phải học phát âm theo khẩu hình của cô, học đánh chữ cái ngón tay để có thể viết, sau đó mới học ký hiệu và phải đọc hiểu được bài học. Thế nên, trẻ phải mất đến cả tuần để học một bài mới, nhưng chỉ cần nghỉ 2 đến 3 buổi thì các con sẽ quên hoàn toàn” - cô Lan chia sẻ.
Khó khăn nhất trong quá trình dạy và học ở đây chính là sự bất đồng ngôn ngữ, phải mất 2 đến 3 năm đầu, các em nhỏ khiếm thính mới học được hết các ký hiệu để giao tiếp được bình thường bằng ngôn ngữ hình thể, và phải mất đến 10 năm trẻ mới học xong chương trình cấp 1, gấp đôi thời gian so với trẻ bình thường. Ở lớp học đặc biệt này, trẻ không trong một độ tuổi nhất định, mà có khi trải dài từ 6 đến 18 tuổi. Bởi thế, việc giảng dạy của giáo viên càng thêm vất vả hơn nhiều lần.
Ước mơ không bao giờ tắt
Thực sự không có nhiều giáo viên đủ kiên nhẫn để gắn bó với công việc đặc biệt ở những lớp học này. Thế nhưng suốt những năm qua, các thầy cô giáo ở Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh vẫn luôn âm thầm đưa những “chuyến đò” giúp các em nhỏ thiệt thòi có thể phục hồi và được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản. Đây chính là nền tảng cơ bản để các em có được sự tự tin để hòa nhập xã hội như những bạn bè cùng trang lứa. Ở đây, những người thầy không chỉ đơn thuần là giáo viên, là người dạy phát âm, dạy kiến thức, các thầy, các cô ở đây còn kiêm thêm cả vai trò là những người cha, người mẹ thứ hai của trẻ, đồng hành cùng các con không chỉ trong một giai đoạn của cuộc đời.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Lan chia sẻ: Nhiều bạn khi vào đây còn là một đứa trẻ 6 tuổi; nhiều bạn 16-17 tuổi mới vào học nhưng chưa biết gì, thậm chí cả những kỹ năng tự phục vụ bản thân cũng không có. Với những bạn nhỏ như thế, các thầy cô lại phải rất kiên trì để hướng dẫn các con từng chút một, dạy cho các con có thể tự chăm sóc bản thân và hòa nhập cùng các bạn.
11 năm làm việc tại Cơ sở, đây mới là lứa học sinh thứ hai của cô Lan. Con số học sinh ra trường tuy ít ỏi nhưng đó lại là cả một sự cố gắng, nỗ lực nhiều năm của cả cô và trò, bởi các em phải mất đến 9-10 năm để học chương trình mà các bạn bình thường chỉ mất 5 năm. Nhiều em trong số đó nay đã trưởng thành, tự mở cửa hàng kinh doanh, quay lại thăm thầy cô, giúp đỡ các em cùng cảnh ngộ.
"Hạnh phúc của những người thầy như chúng tôi là các con đã biết chữ, biết giao tiếp, có thể hòa nhập cộng đồng, tự kiếm sống, xây dựng gia đình và trở thành một phần có ích của xã hội. Những tin nhắn hỏi thăm, những thiệp mời cưới, những tin báo thành đạt của các con, như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong hành trình đưa đò của mình".
Mặc dù sinh ra với cơ thể kém may mắn, thế nhưng những đứa trẻ mang trong mình khuyết tật khiếm thính, cũng mang những ước mơ, hoài bão, nhất là khi chứng kiến những anh chị khóa trước trở về chia sẻ những thành công, quá trình nỗ lực vươn lên để chạm tới ước mơ. Có em muốn làm thợ cắt tóc, có em làm phục vụ bàn, làm massage... Hay như Ngọc Thư, cô bé xinh xắn, nhanh nhẹn, có nước da trắng, dáng người cao, lại ước mơ sau này trở thành một dancer, dù chẳng thể nghe được tiếng nhạc.
Hiện Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh đang chăm sóc, giảng dạy cho 105 trẻ bảo trợ xã hội và trẻ khiếm thính tự nguyện. Trong đó, 38 học sinh khiếm thính được chia làm 3 lớp, theo học văn hóa cấp 1 dành cho trẻ khiếm thính (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Cơ sở hiện có 42 lao động, trên 70% trong số đó tham gia trực tiếp công tác chăm nuôi, giáo dục, giảng dạy cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, gồm cả trẻ khiếm thính. Tuy nhiên, Cơ sở hiện đang hoạt động theo mô hình thí điểm nhà nước và nhân dân cùng hỗ trợ, vì thế, các giáo viên tại đây không được hưởng phụ cấp giáo dục chuyên biệt.
Hiện tại, theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trẻ bán trú cơ bản không phải đóng góp thêm. Tuy nhiên, với trẻ nội trú, mỗi trẻ phải đóng thêm 2 triệu đồng/tháng cho chi phí ăn, ở, sinh hoạt, nhưng do nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, lại ở xa nên không có điều kiện cho trẻ học nội trú. Vì thế, mặc dù năm 2018, toàn tỉnh có trên 50 trẻ khiếm thính đăng ký học tại Cơ sở, nhưng hiện tại chỉ có 38 trẻ theo học.
Là một trong những người dành nhiều tâm huyết cho trẻ khuyết tật trong suốt những năm qua, ông Trương Mạnh Hùng, Giám đốc Cơ sở, cho biết: Chúng tôi rất muốn tỉnh có thể mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội để trẻ khiếm thính nói riêng và những trẻ khuyết tật khác được hưởng chế độ trợ cấp, để có thể được đi học nhiều hơn. Đồng thời, cần có nhiều hơn nữa những hoạt động hòa nhập cộng đồng, tạo sinh kế phù hợp với từng đặc điểm khuyết tật của trẻ. Do đó, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và địa phương. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn có một đơn vị, cơ quan, tổ chức đứng ra chủ trì, điều phối để định hướng cho trẻ trong việc học nghề, tạo việc làm. Bởi các con đều có mong muốn và ước mơ cháy bỏng có thể tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình, không tạo gánh nặng cho xã hội.
Vẫn biết con đường tương lai của các em còn không ít chông gai, có những điều tưởng chừng xa vời, thế nhưng, khi nuôi những ước mơ, khi có mục tiêu, các em sẽ có động lực để vươn lên. Được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, được tiếp sức bằng tình yêu ở “ngôi trường” đặc biệt này, các em sẽ có thêm điều kiện để tìm thấy ánh sáng ở cuối con đường.
Khánh Đan - Khánh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()