Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:26 (GMT +7)
Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá Việt
Chủ nhật, 04/02/2024 | 09:43:41 [GMT +7] A A
Chợ Tết - nhất là chợ Tết ở những vùng quê từ xưa đến nay không chỉ là nơi để trao đổi buôn bán mà còn là một bức tranh tái hiện văn hoá màu sắc bao đời của người Việt. Chợ Tết không chỉ khơi gợi những kỷ niệm xưa cũ cho thế hệ ông bà, bố mẹ, mà còn giáo dục cho con trẻ những giá trị truyền thống. Bởi thế, những phiên chợ Tết vẫn luôn là một phần quan trọng trong không gian văn hóa Tết Việt.
Chợ Tết từ xa xưa là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Ở các miền quê có rất nhiều chợ, thường họp phiên theo buổi sáng, chiều hoặc ngày chẵn, lẻ, tuy nhiên năm nào cũng vậy, từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết, các chợ này không họp theo phiên mà diễn ra cả ngày. Từ ngày này, kể cả những năm tháng đất nước khó khăn thời bao cấp là các phiên chợ đã nhuốm màu sắc Tết lắm rồi. Người bán dăm ba thứ có trong vườn, trong chuồng hay kiếm được trên rừng. Người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả. Thứ họ trao nhau là niềm vui, sự ấm áp, chân thành. Cũng có những nơi chợ diễn ra ngay trên một con ngõ đầu làng hay trên một bãi cỏ trống. Ở đó, không khí cũng không kém phần náo nhiệt bởi chợ là nơi để những người đi xa vừa mới trở về gặp lại chòm xóm, hỏi thăm nhau những chuyện cũ, chuyện mới… Chợ Tết cũng là dịp trẻ con được theo chân mẹ mua sắm quần áo, đồ chơi, quà bánh như bóng bay, tò he, kẹo bột…
Ngày nay, tốc độ thành thị hoá và nhịp sống số đã giúp các bà nội trợ có thể đi chợ online. Tuy nhiên, tiện ích đó chỉ được ưa chuộng trong cuộc sống đời thường. Chợ Tết với những nếp sinh hoạt truyền thống vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Hầu hết các mẹ, các chị đều mong đợi Tết để có thể đi chợ sắm sanh đồ đạc. Việc đi chợ Tết là một nhu cầu tự thân, nó nằm sâu trong tâm thức để đến tháng, đến ngày, đến cái màu không gian ấy là tự nhiên trỗi dậy.
Với người phụ nữ, chợ Tết còn là nơi thiên chức được thể hiện. Có thể phải chen chúc một tý, chịu ồn ào một tý nhưng cả người mua lẫn người bán đều mang trong lòng một cảm giác thiêng liêng, thành kính khi mua bán một cành hoa, dăm quả cau, vài liền trầu, mấy nén nhang, thịt, gạo, nếp và mắm muối, lá dong… Số lượng có thể không nhiều nhưng việc mua bán ấy khiến người ta tìm thấy nhiều ý nghĩa tinh thần trong việc sửa soạn vật chất cho ngày Tết…
Chợ Tết ở một phương diện nào đó là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Mỗi vùng miền đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Nét văn hóa ấy có thể ẩn trong phương cách đi chợ, có thể ẩn trong hàng hóa, trong tâm thức người đến chợ. Và hơn hết là được chứng kiến sự thân tình, hòa nhã, sự chân chất, mộc mạc của cả người bán và người mua.
Như nhiều vùng quê khác, tại Quảng Ninh, những phiên chợ Tết cũng nhuốm màu văn hoá vùng miền. Tại các huyện miền Đông, chợ Tết là dịp các bà, các chị người Tày, Dao, Sán Chỉ… đi mua quần áo mới cho gia đình, mua lá dong, gạo nếp để gói bánh, mua chỉ, mua sợi để thêu váy áo hoặc đi chợ để bán những sản vật do mình nuôi trồng được như gà, ngan, cam, chuối…
Với các chợ vùng đồng bằng, ven biển như Vân Đồn, Quảng Yên, Đông Triều, ngoài những nhu yếu phẩm ngày Tết, các bà, các chị còn chú ý nhiều hơn tới mua các đồ lễ lạt cúng tế tổ tiên, hương hoa để đi lễ đình, lễ chùa ngày đầu năm mới, mua cây mùi già để đun nước thơm tắm ngày 30 Tết.
Ở các thành phố như Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, chợ Tết thường hiện đại hơn nhưng vẫn có nét chung của một phiên chợ xuân ấm áp phong vị truyền thống. Vẫn là những mặt hàng phục vụ Tết như thực phẩm, đồ uống, nông sản và đồ trang trí... Tất cả cộng hưởng thành một bức tranh xuân đầy màu sắc và tình thân.
Nhịp sống hiện đại đã mang đến những cái Tết khác nhau, cách chơi Tết khác nhau. Dẫu vậy, người Việt vẫn đi chợ Tết với mong muốn được hòa mình vào không gian văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ở đó, người ta bày tỏ khát vọng về một cuộc sống ấm no, sung túc. Ở đó, người ta tìm thấy những giá trị tinh thần to lớn trong nét bình dị, chân chất của phiên chợ truyền thống. Tết vì thế cũng thêm phần ý vị hơn.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()