Tất cả chuyên mục

Bên cạnh việc tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra, người nông dân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động ứng phó với những hậu quả có thể xảy ra do dịch bệnh này gây ra.
[links()]
Là một trong những địa phương có dịch tả lợn châu Phi, TX Quảng Yên coi việc chống dịch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Từ nhiều ngày nay, các đường làng trong xã Sông Khoai (TX Quảng Yên), nơi có dịch tả lợn châu Phi đều phủ trắng vôi bột. Mỗi ngày, cán bộ thú y lại đi phun thuốc khử trùng khắp các đường làng, ngõ xóm.
Bà Nguyễn Thị Ái, Trưởng Ban Chăn nuôi thú y xã Sông Khoai, cho biết: “Từ khi phát hiện lợn mắc bệnh đầu tiên tại nhà ông Vũ Ngọc Hoàn vào ngày 13/3, đến nay chúng tôi liên tục phải lấy mẫu xét nghiệm rồi tiêu hủy lợn, ngày nào cũng phải đi rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng và phân công người trực 24/24h”.
![]() |
Các cơ quan chức năng phối hợp tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn châu Phi tại gia đình anh Đinh Văn Thu vào ngày 3/4/2019. |
Tính đến ngày 9/4/2019, xã Sông Khoai đã tiêu hủy 97 con lợn chết (5.302kg) do dịch tả lợn châu Phi. Một trong những người chịu thiệt hại nhiều là hộ nhà anh Đinh Văn Thu, thôn 11. Con đường dẫn vào khu chăn nuôi và gia trại của nhà anh Thu trắng màu vôi bột.
Tần ngần đứng nhìn khu chuồng trại trống không, anh Thu buồn bã nói: “Từ hôm 1/4, có 4 con lợn bị bệnh rồi chết, sau đó lây sang cả đàn. Gia đình tôi lo lắm. Cả nhà chỉ trông chờ vào đàn lợn, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vậy mà...”.
![]() |
Rắc vôi bột khử trùng là biện pháp cần thiết trong vùng có dịch bệnh. |
Bên cạnh việc căng mình chống dịch, các hộ chăn nuôi cũng bày tỏ nỗi lo về sinh kế sau dịch. Ở thôn 11, xã Sông Khoai còn có gia đình ông Đinh Văn Sớm cũng chịu thiệt hại do dịch, ông chia sẻ: “Cả đàn lợn hơn 14 con đã phải tiêu hủy hết rồi. Ngay khi có hiện tượng lợn ốm, tôi đã tách đàn, báo với cán bộ thú y xã nhưng không cứu được. Cũng sốt ruột lắm vì người nông dân như chúng tôi chỉ trông chờ vào mấy con lợn, con gà để có thu nhập. Rất mong nhà nước sớm hỗ trợ để chúng tôi có thể tái xây dựng đàn lợn khi hết dịch”.
Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi, các hộ chăn nuôi có lợn chưa bị bệnh cũng rất lo lắng. Bà Nguyễn Thị Vinh cũng ở thôn 11 cho hay, lúc hay tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, gia đình bà đã chủ động mua vôi bột về rải và phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại nuôi lợn để phòng tránh dịch bệnh.
![]() |
TX Quảng Yên tổ chức tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi cho người dân xã Sông Khoai. |
Bà Vinh chia sẻ, gia đình rất lo do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá thịt lợn bán ra thị trường thấp hơn. Gia đình rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn, trong đó có hỗ trợ các loại thuốc để phun tiêu độc, khử trùng nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Để phòng, chống sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, TX Quảng Yên đã triển khai các biện pháp cấp bách. Ông Vũ Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, cho biết: Thị xã đã thành lập 6 chốt kiểm tra, kiểm soát lợn và sản phẩm từ lợn, trong đó có 3 chốt tại xã Sông Khoai, kiểm soát ra vào vùng có dịch; 2 chốt tại các nút giao thông đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng thuộc phường Phong Hải, xã Liên Hòa và 1 chốt tại chân cầu Sông Chanh. Đã có 48 tấn vôi bột, hơn 1.000 lít hóa chất được cấp để phun tiêu độc, khử trùng ở các khu vực chăn nuôi. Thị xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền về dịch để khi người dân phát hiện đàn lợn có triệu chứng mắc bệnh thì nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng đến xử lý, tránh dịch lây lan.
![]() |
Cán bộ thú y cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc miễn phí cho các hộ chăn nuôi lợn. |
Để ngăn ngừa dịch bệnh, người chăn nuôi nên vệ sinh phương tiện chuyên chở thức ăn cho đàn lợn, hạn chế người đi lại trong trang trại; các loại thức ăn cần được nấu chín khi cho lợn ăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền đến người dân không nên tẩy chay thịt lợn, sử dụng thịt lợn rõ nguồn gốc, có kiểm định, để tránh thiệt hại cho người nông dân, ông Hùng nhấn mạnh.
Thu Hoài
Ý kiến ()