Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:56 (GMT +7)
Nỗi lo khi làm phim hành động Việt
Thứ 3, 05/11/2024 | 13:59:57 [GMT +7] A A
Đầu tư kinh phí lớn, khó thực hiện, nhưng khi ra rạp, nhiều phim hành động Việt vẫn “chết yểu” ở phòng vé khiến nhà sản xuất thua lỗ hàng chục tỉ đồng.
Phim hay đếm trên đầu ngón tay
Phim hành động từng được xem là “miếng bánh ngon” cho các nhà làm phim Việt khai thác. Nhất là sau cú hích của phim “Hai Phượng” giúp Ngô Thanh Vân thu về 200 tỉ đồng ngoài rạp, các nhà làm phim đã chú trọng hơn trong việc khai thác chủ đề này.
Tiếp đó là những bộ phim như: 578: Phát đạn của kẻ điên, Thanh Sói... Năm 2024, có ít nhất 2 tác phẩm hành động ra rạp. Bộ phim Domino: Lối thoát cuối cùng (đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương) và Biệt đội hotgirl (đạo diễn Vĩnh Khương) chiếu ở rạp vào cuối tháng 10.2024. Tuy nhiên, 2 dự án này đều thua lỗ và không được khán giả quan tâm.
Phim Domino: Lối thoát cuối cùng rời rạp ngày 25.10 vừa qua, mang về khoảng 600 triệu đồng tiền bán vé. Đây là dự án mới của diễn viên Thuận Nguyễn. Phim có kinh phí đầu tư lớn khi quay hoàn toàn trên đất Mỹ. Đặc biệt, chủ đề thế giới ngầm người Việt ở Mỹ chưa có phim Việt nào trước đó đề cập. Các cảnh hành động trong phim được dàn dựng đẹp mắt, gay cấn. Dẫu vậy khi chiếu ở Việt Nam, phim không được khán giả chú ý, các suất chiếu luôn trong tình trạng thưa vắng khán giả.
Cùng chịu chung cảnh ngộ, Biệt đội hotgirl (đạo diễn Vĩnh Khương) đang gặp khó ở phòng vé. Ra rạp từ ngày 25.10, doanh thu phim hiện tại theo thống kê của Box Office Việt Nam khoảng 50 triệu đồng.
Việc 2 phim Domino: Lối thoát cuối cùng và Biệt đội hotgirl thua lỗ đã được dự báo bởi trước khi các dự án phim này ra mắt, truyền thông và khán giả hầu như đều không mặn mà. Cộng thêm, nội dung và diễn xuất của dàn sao trong phim không được đánh giá cao.
Phim hành động Việt nhiều năm qua luôn là bài toán khó của các nhà làm phim. Thường các đạo diễn chỉ dám thực hiện các phim tình cảm gia đình, hài hước để thu hút khán giả và đỡ áp lực kinh phí thực hiện. Trong khi đó, một dự án phim hành động, kinh phí có thể lên đến 50 - 60 tỉ đồng, thay vì 10 - 20 tỉ đồng như các phim về gia đình, hài...
Nhìn lại, vài phim hành động của Việt Nam ăn khách hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Hai Phượng, Lật mặt 5: 48 giờ, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử... Tuy nhiên, phim hành động thua lỗ không đếm xuể, ngoài 2 phim Việt mới ra rạp kể trên thì từ năm 2020, các phim thua lỗ phải kể đến 578: Phát đạn của kẻ điên, đầu tư 50 - 60 tỉ đồng nhưng lại rút khỏi rạp chỉ với vài tỉ đồng doanh thu. Thanh Sói của Ngô Thanh Vân cũng được đầu tư lớn nhưng cuối cùng vẫn chịu cảnh thua lỗ vì doanh thu chỉ đạt 22 tỉ đồng.
Cuộc chơi “khó nhằn”
Phải thừa nhận, phim hành động nội ngày càng được đầu tư kinh phí lớn và đây là sân chơi “khó nhằn” của các nhà làm phim Việt.
Về nguyên nhân, rõ ràng phim hành động Việt không thể nào cạnh tranh được với các bom tấn đến từ những nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc...
Một yếu tố khác khiến phim hành động Việt ra rạp không thắng về mặt doanh thu là do chưa tạo được thói quen của khán giả ra rạp. Nhiều khán giả khi lựa chọn mua vé thường né các phim hành động Việt vì cho rằng việc đầu tư, chất lượng phim không tốt. Điều này cũng đặt ra vấn đề với nhà sản xuất trong việc quảng bá, tiếp cận khán giả chưa thật sự hiệu quả.
Với các phim hành động Việt, khán giả dễ so sánh với các dự án nước ngoài khi màu sắc, cách thực hiện bị cho rằng đang “bắt chước” bom tấn ngoại. Khán giả cần những dự án phim hành động mang được nét riêng biệt, không trộn lẫn, khác biệt với các câu chuyện hành động đã được các nhà làm phim thế giới khai thác nhiều.
Các thể loại phim khác của Việt Nam đang làm khá tốt việc khai thác tính bản địa. Chính vì thế, doanh thu phòng vé của những dự án này có nhiều chiều hướng tích cực. Có lẽ, đến lúc nhà làm phim Việt thay vì chạy theo, góp/cóp nhặt cách làm phim của quốc tế rồi xào lại cho tác phẩm mình thì hãy mạnh mẽ hơn trong việc lựa chọn chủ đề, câu chuyện gần gũi, tiệm cận khán giả trong nước hơn...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()