Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:28 (GMT +7)
Nội dung hỏi đáp tại họp báo Chính phủ tháng 6
Thứ 5, 01/07/2021 | 21:24:17 [GMT +7] A A
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều nội dung được phóng viên các cơ quan báo chí nêu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều 1/7.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
PV Văn Kiên (báo Tiền Phong): Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Xin hỏi phương án thực hiện để đạt mục tiêu này như thế nào?
Theo gói hỗ trợ Bộ LĐTB&XH vừa thông tin, xin hỏi với nhóm đối tượng lao động tự do, có đặc thù thường di chuyển, làm việc ở xa sẽ được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Trên cơ sở số liệu thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64% so với cùng kỳ năm 2020. Trên cơ sở cập nhật phương án tăng trưởng 6 tháng năm 2021, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo các quý còn lại cụ thể như sau:
Kịch bản 1, trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%. Trong đó quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%.
Kịch bản 2, trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo NQ 01/NQ-CP là 6,5%. Với kịch bản 2, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%.
Như vậy, có thể nói kế hoạch sắp tới sẽ hết sức khó khăn.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Trong chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ trong phiên họp chiều nay, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho nhóm lao động tự do vì đây là 1 trong những nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng là nhóm khó triển khai nhất.
Thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn, có những bác tổ trưởng tổ dân phố còn chia sẻ phải đi đến 8-9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú; rồi còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú.
Do đó, nếu như Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này sẽ rất khó khăn như vậy.
Chúng tôi đã làm việc với TPHCM, Hà Nội và một số địa phương đông lực lượng lao động tự do đều nhận được sự ủng hộ và hôm nay, Chính phủ đã thống nhất có hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do. Chính phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, căn cứ vào khả năng ngân sách của mình chủ động xây dựng kinh phí, xây dựng mức tiền, xác định đối tượng.
Chẳng hạn, trong gói hỗ trợ của TPHCM hôm qua cũng xác định một số nhóm người lao động làm công việc lái xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo... hay ở Đà Nẵng cũng hỗ trợ cho nhóm hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng.
Chính phủ đưa ra quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1.500.000 đồng/tháng và tối thiểu không dưới 50.000 đồng. Những địa phương hỗ trợ trên mức đó Chính phủ càng hoan nghênh. Về ngân sách cho gói hỗ trợ lao động tự do sẽ do các địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời câu hỏi liên quan đến vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
PV Hiếu Công (Zingnews): Trước diễn biến dịch COVID-19 ở miền Nam, nhất là TPHCM, đang rất phức tạp, Bộ Y tế nhận định TPHCM có bị quá tải không? Sắp tới Chính phủ có hỗ trợ gì thêm để TPHCM sớm dập dịch và tránh việc quá tải do quá nhiều các ca diện F1, F2 không?
Hiện tại, Chính phủ một số nước có cơ chế chia sẻ rủi ro như tài trợ các đơn vị nghiên cứu vaccine tiềm năng, xin hỏi Chính phủ Việt Nam có cơ chế như thế cho các loại vaccine đang được nghiên cứu? Và cuối năm nay chúng ta nhập khẩu 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19, liệu Chính phủ có hỗ trợ đầu ra cho các loại vaccine nội hay không?
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Tình hình dịch tại TPHCM về cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh miền Nam bao gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận trên tinh thần quyết liệt, hiệu quả.
Bộ Y tế đã đặt Bộ phận Thường trực đặc biệt tại TPHCM do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận, bao gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về các lĩnh vực dịch tễ, truy vết , xét nghiệm, điều trị…; Tổ công tác đang phối hợp hết sức chặt chẽ với Thành phố để dập được dịch trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Tổ công tác thuộc Ban Chỉ đạo của Thành phố đã, đang chuẩn bị mọi phương án ứng phó, trong đó có cả bệnh viện dã chiến, đồng thời, Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế cũng đã ưu tiên cấp thêm vaccine cho Thành phố cũng như tạo điều kiện cho Thành phố đàm phán, mua thêm vaccine.
Về công tác nghiên cứu và sản xuất vaccine, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các nhà khoa học, các tổ chức, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine bàn hướng đi phù hợp nhất, ngắn nhất để chúng ta sớm có vaccine và đặc biệt là trong bối cảnh kinh phí của chúng ta không dồi dào so với các nước phát triển.
Sau đó, Bộ Y tế đã cử các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, đồng thời tham vấn các chuyên gia quốc tế, nhất là các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, để tư vấn thêm cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine tại Việt Nam, cũng như xây dựng các đề cương nghiên cứu giúp cho các nhà sản xuất.
Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã rút ngắn tối đa quy trình, quy phạm, nhanh nhưng bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã cấp kinh phí cho nghiên cứu cùng với các nguồn kinh phí từ xã hội hóa của một số nhà hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã tăng cường hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine bằng cách trong thời gian ngắn, huy động các nguồn lực về cán bộ y tế, các nhà nghiên cứu, tăng cường tối đa các mẫu nghiên cứu.
Thực tế, chúng ta chưa hoàn thành pha 2, tuy nhiên qua thử nghiệm ban đầu, Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế đã cho phép các đơn vị sản xuất, như Nanogen, được tiến hành gối đầu, tức là chúng ta chưa hoàn thiện pha 2 đã cho phép tiến hành pha 3 để bảo đảm thời gian nghiên cứu được rút ngắn.
Vừa qua, Thủ tướng cũng đã đi thăm, động viên các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine. Dựa trên kết quả nghiên cứu của các pha, đặc biệt là đánh giá bước đầu của pha 3, Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xem xét và có đề xuất phù hợp tùy theo kết quả, tình huống dịch khi đó cũng như tình hình cung ứng vaccine và đương nhiên chúng ta sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc phát triển vaccine trong nước, nhất là nếu kết quả cho thấy vaccine trong nước được phát triển hiệu quả, an toàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TPHCM): Xin Bộ GD&ĐT cho biết phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới? Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở nhiều địa phương như TPHCM, vẫn dự kiến tổ chức kỳ thi theo 2 đợt như Bộ đã đưa ra. Liệu như vậy có bảo đảm an toàn không? Với những thí sinh đang bị cách ly thì tổ chức thi như thế nào?
Liên quan đến gói hỗ trợ an sinh xã hội, vừa rồi Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH có thông tin. Tuy nhiên, được biết, với gói lần 1 số tiền giải ngân cũng chưa hết. Chúng ta có thực hiện song song cả 2 gói hay không? Một trong những vướng mắc lớn nhất của gói lần 1 là thủ tục rất bất cập khiến giải ngân khó khăn. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thủ tục sẽ đơn giản hơn, cụ thể như thế nào?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Liên quan đến phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vào ngày 7-8/7 tới, với mục tiêu nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm để có cơ sở cấp bằng tốt nghiệp cho các em và thông qua việc này, đánh giá kết quả triển khai giảng dạy, chương trình học để có sự điều chỉnh, chỉ đạo cho phù hợp. Tinh thần của kỳ thi là vẫn có sự phân hóa phù hợp để các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh. Theo số lượng đăng ký, 55% số học sinh lấy kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ để đăng ký tuyển sinh đại học.
Năm nay kỳ thi diễn ra trong điều kiện có dịch diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu tổ chức kỳ thi bảo đảm diễn ra nghiêm túc, an toàn, chất lượng và đúng quy chế. Với tinh thần sức khỏe là số 1, việc xây dựng các phương án phòng chống dịch, phương án tổ chức kỳ thi diễn ra theo đúng quy chế đã được Bộ GD&ĐT xây dựng. Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Bộ đã có quyết định tổ chức thi đợt 2 dành cho tất cả các em học sinh là đối tượng F1, F2 và những học sinh là F0 thời gian tới bình thường trở lại vẫn có thể tham gia thi đợt 2, rồi các em học sinh trong khu vực giãn cách, phong tỏa theo quy định của Thủ tướng.
Đợt 1 diễn ra ngày 7-8/7 dành cho các em học sinh bình thường, không có mầm bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp một số tỉnh có điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em học sinh F2 có nguyện vọng tham gia dự thi thì cũng khuyến khích Ban Chỉ đạo từng tỉnh quyết định đồng ý hay không đồng ý cho các em học sinh diện này tham gia dự thi.
Hiện nay, theo thông báo tính đến 18h ngày 30/6, học sinh F0 là 33 em, F1 là 272 em, F2 là 836 em, tổng cộng là 1.097 em và cả nước có 17.000 học sinh trong diện phong tỏa.
TPHCM đã có quyết định tổ chức thi đợt 1 với phương án có 16 F0, 61 F1 và 204 F2, 991 em trong diện phong tỏa. Số lượng các em không dự thi đợt 1 là 1.272 học sinh sẽ thi đợt 2. Cách làm của TPHCM là sẽ xét nghiệm tất cả các em học sinh trong diện tham dự dự thi vào ngày 3-4/7, nếu âm tính sẽ được dự thi. Với tinh thần thực hiện 5K, quyết tâm thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM, sự hướng dẫn kỹ càng với các đối tượng F1, F2 của Bộ Y tế, chúng tôi tin rằng TPHCM sẽ tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn về dịch bệnh cũng như chất lượng kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Từ khi có đại dịch COVID-19 đến nay, theo tập hợp ban đầu của Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng số ước tính khoảng 160 nghìn tỷ chi cho các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động… Trong đó, riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền từ ngân sách Nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39 nghìn tỷ, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 13 nghìn tỷ đồng.
Gói này có song song với gói theo Nghị quyết 42 không? Tôi nói là không. Gói 42 chỉ là gói ngắn hạn và đến 31/12/2020, tất cả các chính sách của gói 42 đã hết hiệu lực. Tiền còn lại đã theo chu kỳ ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chuyển sang sử dụng cho những công việc khác.
Về thủ tục, chúng tôi đã phối hợp các ngành và xây dựng một Quyết định của Thủ tướng. Ngày mai (2/7), Bộ Tư pháp sẽ thẩm định Quyết định của Thủ tướng để triển khai Nghị quyết này. Nếu như trước đây cho tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần. Đúng là gói 42 xây dựng một chính sách rất đặc thù, một quyết định chưa có tiền lệ, khi đó chưa hình dung hết được. Sau đó chúng ta mới rút ra kinh nghiệm. Với tinh thần tinh giản tối đa các thủ tục, các điều kiện, làm sao đơn giản, thông thoáng nhất, chẳng hạn như miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động bây giờ chỉ cần 1 quyết định là DN đến bảo hiểm, đưa toàn bộ danh sách mình đã đóng hằng tháng, sau đó, bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngay. Chúng tôi cũng quy định rất rõ thời gian, như khi nhận hồ sơ trong 2 hoặc 3 ngày là phải xử lý ngay, nếu không xử lý hoặc không đồng ý thì trả lời bằng văn bản ngay cho người sử dụng lao động, người lao động.
Cụ thể tinh giản như thế nào, trong Quyết định hướng dẫn 12 nhóm chính sách này có khoảng 50 trang. Sau khi có Quyết định sẽ gửi đến các nhà báo để nghiên cứu, tham khảo thêm.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()