Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:48 (GMT +7)
Nội dung báo chí quan tâm tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10
Thứ 7, 06/11/2021 | 21:29:24 [GMT +7] A A
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 vào chiều 6/11, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm.
PV Nguyễn Ngọc (VITV): Bảo hiểm Xã hội đã triển khai Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp. Xin hỏi tiến độ giải ngân đến đâu? Làm thế nào để người dân tiếp cận những gói hỗ trợ này tốt hơn?
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các doanh nghiệp đã và đang khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay đang có vấn đề khó khăn về thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Xin hỏi các Bộ ngành có giải pháp gì?
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan: Đến ngày 6/10, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Về triển khai hỗ trợ, tính đến ngày 5/11 đã giải quyết hướng dẫn hỗ trợ cho 9.967.023 lao động, gồm 9.039.487 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 630.545 người đã dừng tham gia, tương đương với 86% số người lao động đề nghị hỗ trợ với số tiền là 22.889 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 22.582 tỷ đồng tương đương vói 98% tổng kinh phí đã được giải quyết, trong đó đại đa số chi trả cho tài khoản cá nhân.
Đại dịch COVID-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 tăng dần lên 12,2 triệu người trong quý II/2021 và tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng.
Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 so với 2020. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý III là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%. Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh, lao động giảm làm lượng lao động bị dịch chuyển từ các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, Chính phủ đang thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; tuyên truyền cho người lao động những lợi ích khi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn; khuyến khích doanh nghiệp có chế độ hỗ trợ cho người lao động về tiền lương, baỏ hiểm, ngày nghỉ lễ... để giữ chân người lao động; hướng dẫn người lao động hoàn thiện các giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ; tiếp tục các chính sách hỗ trợ về nhà ở, phòng trọ, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thứ hai, hỗ trợ đưa người lao động trở lại làm việc, tổ chức tuyên truyền để người lao động nắm được thông tin quay trở lại cơ sở lao động; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ các chi phí y tế, xét nghiệm COVID-19, cách ly; hỗ trợ về đi lại khi người lao động quay trở lại doanh nghiệp; hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn về nghề nghiệp; phối hợp thông tin giữa các địa phương về tạo điều kiện, hỗ trợ đi lại cho người lao động quay lại làm việc; hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh các sinh hoạt phí tối thiểu như thuê nhà ở, hỗ trợ chi phí y tế; khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê sẵn sàng quay lại công việc...
Thứ ba, có kế hoạch kết nối lao động trên địa bàn, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động ở các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm, rà soát trình độ, thông tin của người lao động để làm cơ sở kết nối cung cầu lao động; thực hiện các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hình thức tìm kiếm việc làm, tổ chức kết nối lao động liên vùng trên toàn quốc; đào tạo kỹ năng nghề kịp thời cho người lao động để bổ sung cho cơ sở lao động...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Lê Hùng Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Tổng Giám đốc BHXH Lê Hùng Sơn: Trong quá trình triển khai Nghị quyết116, BHXH Việt Nam đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cải cách tối đa quy trình thủ tục nên hầu như không phát sinh thêm thủ tục gì, mà người lao động chỉ cần cung cấp số tài khoản cá nhân cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển cho cơ quan BHXH thực hiện chi trả. Trên nền tảng sẵn có của BHXH đã giải ngân tương đối nhanh, trên 22 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay cơ bản thủ tục thuận lợi, chỉ có một số vướng mắc nhỏ.
Ví dụ, theo Nghị quyết 116 và Quyết định 28 của Thủ tướng thì việc chi trả cho những đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên nhưng theo Nghị định 60 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính thì không thuộc đối tượng chi trả. Có nghĩa là các đơn vị sự nghiệp công lập phải tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên thuộc đối tượng chi trả thì việc xác định thuộc cơ quan tài chính các cấp về việc tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên ở các đơn vị sự nghiệp công lập. BHXH đã báo cáo Bộ LĐTB&XH và hiện nay các đơn vị vướng mắc về quy định này cũng không lớn.
Vướng mắc thứ 2 là hiện nay 2,7 triệu người bảo lưu về quê sau đợt bùng phát dịch thứ 4 mới có hơn 1 triệu người nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH. Mặc dù chúng tôi không quy định địa giới hành chính, người lao động có thể nộp ở bất kỳ đơn vị BHXH nào nhưng người lao động cũng chưa tiếp cận. Sắp tới chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến từng tổ dân phố, phường thị trấn để mời người lao động đến nhận hỗ trợ.
PV Quang Phong (Báo Điện tử Dân trí): Việc thí điểm đón khách quốc tế được nghiên cứu và tiến hành đến đâu? Khi nào Việt Nam mới có thể đón khách quốc tế đầu tiên?
Việc tăng giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than… sẽ ảnh hưởng thế nào đến lạm phát, cung ứng hàng hoá của nước ta? Các giải pháp được triển khai sẽ như thế nào?
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cung cấp thông tin về lộ trình đón khách quốc tế trở lại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8044 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngày 5/11, Bộ VHTT&DL đã ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong hướng dẫn tạm thời này có 4 phần. Phần 1 là Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Thứ 2 là quy định về khách quốc tế. Thứ 3 là quy trình đón khách quốc tế. Phần 4 là tổ chức thực hiện.
Theo đó, lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại 5 khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1, có thể bổ sung một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.
Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn này sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải là người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú tại nước ngoài.
Đối với khách quốc tế, chúng tôi cũng có 4 yêu cầu. Thứ nhất là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vaccine 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.
Thứ hai, có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).
Thứ ba, có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD. Và thứ tư, phải tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Dự kiến thời gian đón khách quốc tế trong giai đoạn 1, từ 20/11/2021 đến 20/12/2021, Kiên Giang sẽ triển khai thực hiện theo lộ trình dự kiến, thực hiện các chuyến bay thử nghiệm. Đến giữa tháng 11/2021, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam dự kiến đón các chuyến bay thí điểm. Dự kiến đến tháng 12/2021, Quảng Ninh sẽ đón khách quốc tế đến sân bay quốc tế Vân Đồn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương và các bộ liên quan đã báo cáo Chính phủ để trong năm 2021 không tăng giá điện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Đáng mừng là trong những tháng cuối năm 2021, chúng ta kiểm soát được bước đầu về dịch bệnh, các địa phương cũng đã nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, kể cả giá vận chuyển, không những tăng mà còn tăng rất cao. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến CPI (lạm phát). Chỉ số CPI tháng 10 giảm 2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020, tăng 1,77% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ - đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ.
Trong cả năm 2021, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đã đề ra, CPI cả năm sẽ vào khoảng 2%. Bước sang năm 2022, trên thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát. Chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cũng cao lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu sang các nước.
Để xử lý các vấn đề này, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, rất nhiều bộ, ngành đã vào cuộc và theo chúng tôi đã có tác dụng và hiệu quả để giảm áp lực của việc tăng giá thành. Đối với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã linh hoạt, hiệu quả sử dụng quỹ bình ổn giá. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên thế giới tăng 59,08-76,03%, tuy nhiên vì chúng ta sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23-52,59%. Mặc dù đây vẫn là mức tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, nhưng đây cũng là sự cố gắng, nỗ lực của liên Bộ và Chính phủ.
Với mặt hàng điện, chúng ta có 5 đợt hỗ trợ giảm giá trong năm 2020-2021, tổng số tiền hỗ trợ lên đến 16.650 tỷ đồng. Mặc dù, theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, khi giá các mặt hàng đầu vào tăng có thể điều chỉnh giá điện nhưng Bộ Công Thương và các bộ liên quan đã báo cáo Chính phủ để trong năm 2021 sẽ không tăng giá điện. Việc điều chỉnh trong thời gian tới như thế nào sẽ phải tính theo tình hình thực tế.
Sắp tới, chúng tôi cho rằng cần phải có một số giải pháp chính để kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hoá. Một là phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, chúng ta có sự tham khảo kịp thời để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt cần đánh giá nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn trong nước, để từ đó đưa ra được chính sách đối ứng cho phù hợp.
Thứ hai, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, giảm áp lực lạm phát, cần có thông tin kịp thời rõ ràng, chính xác về các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.
Thứ ba, dự báo giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cần nỗ lực đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
PV Kỳ Thành (Báo Đầu tư): Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản đề xuất xin cho nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản. Xin ông cho biết quan điểm, Việt Nam có nên cho nhập không?
Xin hỏi khi nào học sinh trở lại đi học đặc biệt trong trường hợp nhiều địa phương khi công bố dịch cấp độ 1,2?
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Bộ GTVT là không đồng thuận việc nhập khẩu 37 toa xe cũ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Từ tháng 10/2021, VNR có các văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ GTVT về việc nhập 37 toa xe do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng. Các toa xe này sản xuất từ năm 1979 đến năm 1982, loại tự hành diesel.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành và trong vài ngày nữa sẽ có văn bản báo cáo.
Chúng tôi nghiêm túc xem xét các yếu tố như điều kiện DN gặp khó khăn, cần có thêm phương tiện hoạt động… Tuy nhiên, phải căn cứ quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 32 Luật Đường sắt có quy định: “Phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ và được tổ chức đăng kiểm Việt Nam định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.”
Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, Điều 8 có quy định: “Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.”
Trường hợp trên, toa sản xuất năm 1979-1982 tuổi thọ cỡ 39 đến 42 năm không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật.
Toa tàu của Nhật Bản phù hợp với khổ đường sắt là 1,067m, trong khi khổ đường sắt của ta là 1m, nếu muốn dùng phải hoán cải lại, chi phí dự kiến nếu làm hết khoảng 140 tỷ.
Việt Nam có một số cơ sở đóng mới toa xe ở Hà Nội, Bình Dương, TPHCM có thể làm, do đó, cần tạo điều kiện phát triển công nghiệp đường sắt. Quan điểm Bộ GTVT là không đồng thuận việc này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT xin ý kiến Bộ Y tế ban hành Công văn 4726 ngày 15/10 đề nghị UBND các tỉnh căn cứ phân loại đánh giá cấp độ dịch từng địa phương để quyết định việc dạy trực tiếp hay không.
Theo đó, khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại học tập, ví dụ dịch ở cấp độ 1, 2 có thể tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh. Nhưng việc triển khai cụ thể thế nào phụ thuộc đặc điểm, trách nhiệm của chính quyền địa phương thực hiện.
Đến nay, có 21 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, có 18 địa phương kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến qua truyền hình, 24 địa phương vẫn học trực tuyến qua truyền hình.
Với các địa phương có lượng học sinh lớn, đặc thù như TPHCM, Hà Nội đều đã có phương án. Như ngày 31/10, UBND TP. Hà Nội có văn bản dự kiến cho học sinh đi học tại các khu vực có cấp độ dịch 1, 2, tuy nhiên, đến hôm nay (6/11) lại có văn bản mới tạm dừng việc đó, chỉ cho học sinh ở huyện Ba Vì đi học trở lại, chứng tỏ diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp.
Chúng ta đều mong muốn học sinh có thể đến trường nhưng bên cạnh đó vẫn còn lo lắng tình hình diễn biến dịch. Ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã họp với Bộ trưởng Bộ Y tế. Hai Bộ trưởng đều thống nhất nhận định: Việc học sinh trở lại trường không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu để bảo đảm chất lượng, bảo đảm yếu tố tâm lý, đặc biệt với các học sinh lớp nhỏ, liên quan ảnh hưởng đến các gia đình.
Trong tuần tới, chúng tôi dự kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến để các Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các quận, huyện để trao đổi về giải pháp triển khai chống dịch ở các cơ sở giáo dục khi dạy học trực tiếp, từ đó có hướng dẫn các địa phương.
Hai Bộ sẽ sớm ban hành bổ sung Sổ tay Y tế phòng chống COVID-19 trong các trường học, tổ chức tập huấn các trường toàn quốc vể kỹ năng phòng chống COVID-19, để mỗi giáo viên đều có thể là cán bộ y tế trường học.
Với sự cố gắng của 2 Bộ và các đơn vị liên quan, hy vọng trong thời gian tới các địa phương sẽ sớm có quyết định cho học sinh quay lại trường học.
Về triển khai vaccine, nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế, các địa phương, Bộ GD&ĐT có đề nghị rõ các địa phương sớm có phương án cho các học sinh lứa tuổi 12-18 sớm được tiêm vaccine, khi đó các yếu tố phòng chống dịch bảo đảm tốt hơn cho các em đến trường.
Phóng viên báo Pháp luật TPHCM: Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360, Bộ luật Hình sự. Xin Bộ Công an cho biết thông tin bước đầu về những sai phạm của ông Trương Quốc Cường? Quan điểm của Bộ về việc này thế nào?
Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an Hoàng Anh Tuyên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an Hoàng Anh Tuyên: Bộ Công an đang trong quá trình tiếp tục điều tra nên tôi xin thông tin rất ngắn như sau: Căn cứ kết quả điều tra vụ án hình sự "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế”, ngày 03/11/2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi được Viện KSND Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện quyết định nêu trên đối với ông Trương Quốc Cường. Kết quả như thế nào, sau khi hoàn thành điều tra, chúng tôi sẽ công bố thông tin sau.
PV Hoàng Lê (VOV): Xin người phát ngôn của Chính phủ và các bộ, ngành cho biết những chương trình chính sách phục hồi kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVD-19, dự kiến các nguồn lực thực hiện chương trình này như thế nào?
Xin đại diện Bộ Y tế cho biết về những chấn chỉnh trong công tác tiêm chủng để bảo đảm an toàn nhất, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Liên quan đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xin đề cập đến 3 ý sau:
Một là quá trình xây dựng chương trình phục hồi; triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là tham vấn các ý kiến của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, lao động xã hội… cả trong và ngoài nước; và cũng đã kịp thời đáp ứng yêu cầu trình các dự thảo chương trình đến cấp có thẩm quyền.
Nội dung cơ bản của chương trình phục hồi đề xuất 5 nhóm giải pháp trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011; trên cơ sở đó đề ra các quan điểm, đặc biệt là 2 quan điểm quan trọng và cốt lõi là kết hợp cả phục hồi và phát triển. Do vậy các giải pháp đưa ra cũng kết hợp giữa ngắn hạn và căn cơ trong dài hạn.
Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế-xã hội được bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác.
Nhóm giải pháp thứ 2 liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhóm giải pháp thứ 3 liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 thời gian qua để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như có các nguồn lực cần thiết để phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.
Nhóm giải pháp thứ 4 mang tính dài hơi liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Nhóm giải pháp thứ 5 mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan đến sử dụng nguồn lực như Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác để xây dựng cân đối nguồn lực hợp lý nhất. Chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Thứ nhất về vấn đề tiêm chủng, theo quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thì có 2 hình thức tiêm chủng. Thứ nhất là tiêm chủng mở rộng thường vào mùng 4, 5 hằng tháng, chúng ta vẫn tổ chức đưa trẻ em đến các điểm tiêm chủng để tiêm chủng các loại vaccine theo quy định. Thứ hai là tiêm chủng trong công tác phòng, chống dịch. Như việc tiêm chủng khi 4 tỉnh Tây Nguyên xảy ra dịch bạch hầu, Bộ Y tế đã kết hợp với 4 tỉnh này phát động và tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu, sau một thời gian rất ngắn tình hình dịch bệnh bạch hầu đã được khống chế, kiểm soát tốt.
Về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tổ chức hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 để góp các giải pháp vào công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua cũng như thời gian tới.
Đồng thời đẩy mạnh bảo đảm an toàn cao nhất trong vấn đề tiêm chủng, chúng ta phải đạt được những yêu cầu cụ thể như sau:
Thứ nhất là phải có kế hoạch tiêm chủng cụ thể, kể cả tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chống dịch.
Thứ hai, phải thường xuyên tập huấn, cập nhật về kỹ thuật tiêm đối với từng loại vaccine khác nhau, đặc biệt là vaccine phòng bệnh mới nổi, ví dụ như vaccine phòng COVID-19.
Thứ ba là phải tổ chức khám sàng lọc để loại những trường hợp chống chỉ định, không tổ chức tiêm chủng được, phải làm tốt công tác này.
Thứ tư là ở các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế cũng giao cho dự án tiêm chủng quốc gia đó là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm phòng chống dịch bệnh các tỉnh, thành phố hướng dẫn cho các cán bộ làm công tác tiêm chủng, nắm chắc kỹ thuật tiêm cũng như kỹ thuật xử lý phản ứng sau tiêm.
Thứ năm là phải cập nhật kết quả tiêm chủng vào sổ tiêm chủng thường xuyên cũng như nền tảng công nghệ thông tin như Ban Chỉ đạo quốc gia đã có hướng dẫn, đó là nền tảng PC COVID.
Thứ sáu là phải thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, bảo quản và tổ chức tiêm chủng.
Thứ bảy là phải tuyên truyên để người dân nắm chắc về hiệu quả của vaccine cũng như chia sẻ các tác dụng phụ khi tiêm vaccine để người dân yên tâm tiêm chủng.
Thứ tám, cán bộ y tế phải thực hiện tốt các kỹ thuật, hướng dẫn, thực hiện tốt “3 tra, 5 chiếu” trong việc thực hành tổ chức tiêm chủng.
Cuối cùng là làm tốt kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng.
Để làm tốt những yêu cầu trên, lãnh đạo Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các cuộc họp nghe các địa phương, các cơ quan liên quan đến tiêm chủng báo cáo, rút kinh nghiệm từ đó đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tiêm vaccine phòng COVID-19 ở miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên; 4 đoàn kiểm tra được Bộ giao cho 4 viện: Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn.
Trong kế hoạch kiểm tra 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn đã kiểm tra 12/20 tỉnh. Mới đây, ngày 5/11, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 9439 hướng dẫn và chỉ đạo rất chi tiết để bảo đảm công tác an toàn tiêm chủng nói chung cũng như tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()