Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:15 (GMT +7)
Nối dài 'kỳ tích' xuất khẩu
Thứ 7, 09/11/2024 | 14:58:36 [GMT +7] A A
Xuất khẩu nông sản, thủy sản là 'điểm sáng' trong bức tranh tăng trưởng kinh tế ấn tượng chín tháng năm 2024.
Người nông dân trồng lúa, sầu riêng, cà phê, tiêu ở miền Tây, Tây Nguyên đang 'ngất ngây' sau mùa vụ bội thu, nông sản được mùa và được giá.
Giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 10 tháng đạt kỷ lục gần 52 tỉ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có thể đạt 62 tỉ USD trong năm nay.
Xuất khẩu nông sản, thủy sản là "điểm sáng" trong bức tranh tăng trưởng kinh tế ấn tượng chín tháng năm 2024. Doanh nghiệp trong nước đã khai thác tốt hơn những thị trường tiềm năng như châu Âu để xuất khẩu rau, củ, quả. Mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống cũng có giá tương đối cao.
Không chỉ các mặt hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm cũng cho thấy đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tính chung chín tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 300 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có tới 30 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỉ USD, bảy mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD.
Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia và ba FTA đang đàm phán hàng hóa, nông sản, thủy sản trong nước đang có cơ hội xuất đi khắp thế giới, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Cơ hội với xuất khẩu là rất lớn, nhiều thị trường đã mở cửa nhưng để tăng giá trị xuất khẩu nông sản thì hàng hóa trong nước phải chiếm lĩnh được thị trường, khẳng định vị thế hàng Việt trên các kệ siêu thị nước ngoài bằng chất lượng, thương hiệu, mẫu mã và một chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
Cùng với đó nền sản xuất trong nước phải chuyển dịch sang sản xuất xanh, quy trình sản xuất phải thân thiện với môi trường để sản phẩm xuất khẩu có thể nâng giá trị, vượt qua các rào cản kỹ thuật về môi trường từ những thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Xuất khẩu nông sản 2025 sẽ tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm nay, nhưng xuất khẩu của ngành da giày, dệt may đang cho thấy nhiều kỳ vọng hơn. Bối cảnh Bangladesh - một đối thủ của Việt Nam - đang trong tình trạng khủng hoảng nếu ngành dệt may, da giày trong nước chớp được thời cơ sẽ mang lại giá trị xuất khẩu lớn.
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp dệt may lớn trong nước đã nỗ lực xanh hóa sản xuất để từng bước đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn mới của các bạn hàng khó tính, nhiều tiềm năng như Mỹ, EU.
Nhưng vấn đề với xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là phải nỗ lực hơn để làm chủ chuỗi sản xuất, cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực dệt nhuộm để tránh khả năng bị các thị trường khó tính áp thêm rào cản, trong đó có vấn đề hàng Trung Quốc chuyển sang Việt Nam sản xuất để lẩn tránh thuế.
Cần sớm có giải pháp để ứng phó với khả năng Mỹ, EU kiểm soát dòng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam để xuất qua EU, Mỹ. Muốn vậy các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, da giày trong nước phải tự chủ nhiều hơn, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hơn.
Quý 3, quý 4 năm nay dấu hiệu khởi sắc của ngành dệt may, da giày rất rõ, hy vọng đây sẽ là lĩnh vực bù đắp thêm cho động lực tăng trưởng sản xuất phục vụ xuất khẩu bên cạnh các sản phẩm công nghệ cao, máy móc, thiết bị điện tử...
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()