Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 07:07 (GMT +7)
Nơi cồng chiêng vang mãi
Thứ 2, 16/08/2021 | 14:04:33 [GMT +7] A A
Những ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch, vào cuối tuần hoặc cuối tháng, tại thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, đồng bào dân tộc S’tiêng thường tập trung tại nhà văn hóa thôn để đánh cồng chiêng, chia sẻ về kinh nghiệm lao động sản xuất. Họ còn truyền dạy cho thế hệ con cháu nhằm bảo tồn, phát huy loại nhạc cụ truyền thống này. Hiện nay, thôn Bình Trung đã thành lập một đội cồng chiêng để tham gia các lễ hội, hội thi ở địa phương cũng như ngoài tỉnh.
Ông Điểu Du (76 tuổi) được nghe cồng chiêng từ ông bà, cha mẹ, vì thế tiếng cồng chiêng thấm vào ông lúc nào không hay. Lớn lên ông càng ý thức giữ gìn vốn văn hóa của dân tộc để tránh bị mai một. Ông hiện là Trưởng ban đội cồng chiêng thôn Bình Trung và là một trong những thành viên năng nổ, đi đầu trong hoạt động biểu diễn, truyền dạy cồng chiêng tại xã. Ông Điểu Du chia sẻ: Tôi luôn tích cực dạy con cháu đánh cồng chiêng để không được quên truyền thống dân tộc mình. Thời xưa, vào dịp mừng lúa mới, lễ, tết thường hay đánh cồng chiêng. Ngày nay không còn phổ biến như trước, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì truyền dạy cho lớp trẻ để tiếng cồng chiêng mãi vang.
Trong những năm qua, với người dân tộc thiểu số ở thôn Bình Trung, cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng không còn xuất hiện thường xuyên. Bình Trung cũng không còn nhiều người biết đánh cồng chiêng. Đội ngũ biểu diễn cồng chiêng người S’tiêng ở thôn hiện nay chủ yếu là người già và trung niên. Tuy nhiên, từ khi đội cồng chiêng được thành lập, các cấp chính quyền quan tâm xây dựng, bà con rất vui mừng. Đội thường xuyên tập hợp nhau tại nhà văn hóa thôn để tập luyện. Ông Điểu Phuông ở thôn Bình Trung cho biết: Đội gồm các thành viên lớn tuổi, còn thế hệ trẻ được truyền dạy cồng chiêng vào những ngày rảnh. Để duy trì và phát huy giá trị cồng chiêng, tôi vẫn luôn giữ và dạy con cháu phải gìn giữ, không quên truyền thống dân tộc mình.
Trên địa bàn huyện Phú Riềng có 2 đội cồng chiêng đang hoạt động. Huyện đã hỗ trợ các đội duy trì hoạt động thường xuyên và tham gia biểu diễn tại các chương trình do huyện, tỉnh tổ chức. Các hoạt động cụ thể đã giúp khơi dậy tâm huyết trong đội ngũ các thành viên đội cồng chiêng, con em người đồng bào tham gia truyền dạy và bảo tồn nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. |
Ông Điểu Vét, Bí thư chi bộ thôn Bình Trung chia sẻ: Đời sống nhân dân trong thôn vẫn còn khó khăn, hơn 90% số dân là người dân tộc S’tiêng. Thôn vẫn giữ lại bộ cồng chiêng. Trước đây khi chưa thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, mỗi tuần mọi người đều tụ tập để ôn lại đội văn nghệ, đội cồng chiêng tham gia các buổi lễ văn hóa, văn nghệ do cấp trên tổ chức. Ban thôn cũng thường xuyên tuyên truyền bà con gìn giữ văn hóa, phong tục tốt đẹp của dân tộc S’tiêng.
Để phát huy và lan tỏa giá trị cồng chiêng, đồng bào S’tiêng nói riêng, các dân tộc nói chung trên địa bàn đều mong muốn được chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương và hỗ trợ kinh phí để đội cồng chiêng hoạt động ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, các hoạt động kết nối để bà con được tham gia biểu diễn sẽ tạo cơ hội giao lưu, học hỏi cho người trẻ duy trì và phát huy. Bà Nguyễn Thị Kim Trúc, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, ngành huyện, địa phương cũng đã hỗ trợ đội cồng chiêng tập luyện tiết mục để tham gia các hoạt động của xã, huyện. Địa phương cũng rất quan tâm nhu cầu của bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc S’tiêng để gìn giữ bản sắc văn hóa người S’tiêng tại địa phương.
Theo Vũ Nam/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()