Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:20 (GMT +7)
Nợ xấu tăng mạnh từ vay mua nhà, ô tô
Thứ 6, 17/11/2023 | 09:44:50 [GMT +7] A A
Các ngân hàng tập trung vào bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ ghi nhận nợ xấu tăng mạnh từ cho vay mua nhà, ô tô cũng như từ các khoản vay chủ đầu tư bất động sản, theo VIS Rating.
Nợ xấu tăng, chất lượng tài sản suy giảm là lưu ý chung từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường khi đánh giá về kết quả kinh doanh các ngân hàng quý 3-2023.
Thu nhập, khả năng trả nợ chậm lại
Tại báo cáo cập nhật 9 tháng đầu năm 2023 vừa công bố, VIS Rating - công ty xếp hạng tín nhiệm thành lập từ vốn đầu tư của Moody's - cho rằng rủi ro suy giảm chất lượng tài sản lan truyền từ các doanh nghiệp bất động sản sang tập khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Cụ thể, các nhà băng tập trung bán lẻ và SME (NVB, OCB, VIB, TPB, HDB) ghi nhận nợ xấu tăng mạnh từ cho vay mua nhà và vay mua ô tô, cũng như từ chủ đầu tư bất động sản và công ty xây dựng.
Các ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng như MBB, VPB cũng ghi nhận tỉ lệ nợ quá hạn gia tăng đáng kể so với mức trung bình ngành khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tới thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng.
Ngược lại, ở nhóm ngân hàng tư nhân, có ACB cho thấy sự ổn định cao về chất lượng tài sản nhờ chính sách cho vay thận trọng. Với các ngân hàng quốc doanh, chất lượng tài sản cũng ổn định, theo VIS Rating.
"Chúng tôi kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu mới hình thành của các ngân hàng sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng sẽ dần được cải thiện trong bối cảnh điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp", chuyên gia VIS Rating nhận định.
Ngoài ra theo báo cáo, thanh khoản hệ thống ổn định. Tỉ lệ cho vay khách hàng trên tiền gửi khách hàng (LDR) toàn ngành giữ ổn định ở mức 101% so với một năm trước. Đồng thời tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (SMLR) ở mức 28% (thấp hơn mức trần quy định là 30%).
Chi phí dự phòng có thể bào mòn lợi nhuận
Đội ngũ phân tích Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng "chất lượng tài sản vẫn cần chú ý" khi phân tích kết quả kinh doanh ngân hàng quý 3-2023.
Theo VNDirect, tỉ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên 2,24% tại cuối quý 3-2023 - mức cao nhất kể từ năm 2017.
Tuy nhiên điểm tích cực VNDirect chỉ ra tỉ lệ bao phủ nợ xấu LLR chỉ giảm nhẹ xuống còn 94% vào cuối quý 3-2023, so với 98% vào cuối quý 2 liền trước và bằng với mức cuối năm 2020. Điều này cho thấy bộ đệm dự phòng tốt hơn của ngành trong những năm qua.
Ngoài ra, VNDirect nhận thấy có một tín hiệu tích cực khi tổng % nợ nhóm 2 giảm đã xuống còn 2,3% vào cuối quý 3-2023 so với 2,5% vào cuối quý 2, cho thấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn đang khó khăn, đơn vị này cho rằng chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng những quý tới.
Còn theo dữ liệu từ SSI Research, kết quả kinh doanh quý 3-2023 ngành ngân hàng giảm 1,4% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng yếu.
Thu nhập lãi thuần (NIM) chưa hồi phục rõ ràng, trong khi nợ xấu vẫn trong xu hướng gia tăng là vấn đề chuyên gia SSI chỉ ra.
Theo SSI, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng phân hóa mạnh mẽ trong quý này với nhóm tăng trưởng gồm VCB (+19,9%), STB (+34,9%), CTG (+17,3%), MBB (+15,6%), ACB (+12,6%). Trong khi BID, VPB, TCB, TPB, EIB, SHB, cùng đa số ngân hàng thương mại cổ phần có kết quả kém khả quan hơn.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()