Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:16 (GMT +7)
Nở rộ các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững
Thứ 6, 15/03/2019 | 12:37:52 [GMT +7] A A
Những năm gần đây hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã khẳng định vai trò, giá trị trong phát triển ngành kinh tế thủy sản, trong đó đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình NTTS thân thiện với môi trường, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững của ngành.
Nuôi tôm nước lợ đang mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân phường Hải Hòa, TP Móng Cái. |
Có thể thấy, nếu như trước đây các mô hình NTTS trên địa bàn chủ yếu là nuôi quảng canh, tận dụng các vùng ngập nước tự nhiên; nguồn giống, thức ăn tự nhiên, thì nay đã chuyển sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và nuôi công nghiệp. Trong đó, người nuôi chủ động từ công nghệ, quy trình sản xuất, vật liệu, thức ăn nuôi, đến công tác phòng, chống dịch bệnh...
Lĩnh vực nuôi tôm nước lợ hiện đã chiếm trên 50% giá trị sản xuất NTTS của tỉnh. Kết quả đáng mừng này đến từ hơn 5.951ha nuôi tôm tập trung, trong đó các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh đều đã và đang áp dụng các công nghệ nuôi VietGAP, nhà kính, BioFloc, 2 giai đoạn, 3 giai đoạn... với quy trình nuôi an toàn, tiết kiệm, tránh tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm, dư lượng chất hóa học trong ao nuôi ảnh hưởng đến môi trường chung.
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn là tiến bộ khoa học lớn, giúp đạt hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cơ sở những ưu thế của các mô hình nuôi tôm theo giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, lần đầu tiên Công ty CP Thủy sản Tân An đã triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (3 giai đoạn) trên ao nổi. Trong đó, thay vì duy trì cả quá trình nuôi từ khi thả giống đến lúc thu hoạch trong diện tích 1 hoặc 2 ao nuôi, công ty đã nuôi trên diện tích 3 ao, tương ứng với từng giai đoạn phát triển của tôm. Trong đó ao 150m2 dành cho giai đoạn thả giống, ao 800m2 dành cho giai đoạn tiếp theo và 1.500m2 dành cho giai đoạn cuối, tiến tới thu hoạch.
Mô hình lồng nuôi cá biển làm bằng vật liệu bền vững tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà. |
Theo ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An, yêu cầu về hạ tầng, công nghệ, chi phí cho nuôi tôm 3 giai đoạn cao hơn hẳn, trong đó có những kỹ thuật khó, đòi hỏi người nuôi phải có chuyên môn sâu như việc giữ nền nhiệt ao nuôi luôn ổn định ở mức 30-31 độ C, tuy nhiên hiệu quả của nó mang lại là rất lớn, cả về mặt kinh tế và xã hội. Cụ thể, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn không chỉ tận dụng được thời gian nhàn rỗi của ao nuôi trong năm để tăng vụ (tối đa đạt 6 vụ/năm), sản lượng đạt đến 160 tấn/ha, gấp gần chục lần so với mô hình nuôi tập trung thông thường, mà còn có thể kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa lây lan mầm bệnh ra môi trường khi mô hình nuôi không may phát sinh dịch bệnh.
Trong hoạt động nuôi cá biển, từ các mô hình, dự án điểm của Sở NN&PTNT thực hiện, trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân đã tăng cường ứng dụng vật liệu HDPE bền vững, thân thiện môi trường để làm lồng bè nuôi thay cho các vật liệu ảnh hưởng đến môi trường như trước đây. Hiện các mô hình nuôi cá biển tại xã Tân Lập, Đầm Hà (huyện Đầm Hà), Hạ Long, Đông Xá, Thắng Lợi, Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đang triển khai rất hiệu quả. Các mô hình nuôi này không chỉ tăng về năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế mà còn tăng tuổi thọ của lồng nuôi, giảm chi phí đầu tư, tránh được tình trạng tan rã các vật liệu kết cấu lồng trên mặt biển khi hết khấu hao sử dụng.
Ao nuôi theo mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của Công ty CP Thủy sản Tân An. |
Từ dự án "Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng" được tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2014, ngư dân vùng Vịnh Hạ Long đã nhân rộng, triển khai các mô hình NTTS kết hợp với du lịch bền vững, nhất là các ngư dân làng chài Vung Viêng. Theo đó, các hộ đã sử dụng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường làm lồng bè, sử dụng thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn là cá tạp tươi, thực hiện nuôi theo quy trình nuôi an toàn, khống chế về số lượng cá nuôi, hạn chế tối đa lượng thức ăn cho cá dư thừa trong nước, hạn chế sử dụng kháng sinh gốc hóa học…
Người dân cũng kết hợp các hoạt động du lịch để làm gia tăng giá trị mô hình nuôi, trong đó có các hoạt động vận chuyển du khách thăm lồng bè, trải nghiệm làm ngư dân (chăm sóc cá, chèo thuyền nan), dịch vụ cung ứng sản phẩm cá lồng bè tại chỗ… Chính bởi vậy, hiện tại khu vực Vung Viêng mặc dù người dân NTTS với số lượng ô lồng nhỏ hơn trước đây song giá trị lại cao hơn. Mô hình này hiện ngày càng được nhân rộng trên các vùng vịnh kín, có khả năng NTTS trên Vịnh Hạ Long.
Có thể thấy, việc phát triển các mô hình NTTS bền vững, thân thiện với môi trường đã và đang là hướng phát triển chủ đạo, ưu thế của ngành NTTS Quảng Ninh.
Việt Hoa[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()