Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:29 (GMT +7)
Nỗ lực xóa các điểm “lõm” sóng di động
Thứ 2, 02/08/2021 | 07:51:56 [GMT +7] A A
Thời gian qua, cử tri một số địa phương vùng cao, miền núi, hải đảo có kiến nghị đến HĐND tỉnh và các sở, ngành, xem xét đầu tư hoặc khắc phục tình trạng vẫn còn một số khu vực người dân sinh sống bị "lõm" sóng điện thoại di động, gây khó khăn cho sinh hoạt và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Dù có một chiếc điện thoại thông minh, nhưng anh Chíu Mằn Dếnh, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, phải tìm đến nơi cao nhất ở khu vực gần nhà mới có thể bắt được sóng di động và phải di chuyển xuống nhà người quen ở vùng thấp thì mới có thể kết nối được sóng 3G. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở thôn Khe Tiền, mà cũng là tình trạng chung với người dân ở nhiều vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới trên địa bàn Quảng Ninh khi khó tiếp cận được các dịch vụ viễn thông.
Khắc phục những bất cập trên, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân, thời gian qua, Sở TT&TT đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát, xây dựng kế hoạch phủ sóng các điểm “lõm" sóng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, Sở đã phối hợp với Công ty Viễn thông Quảng Ninh và Viettel Quảng Ninh xây dựng được 21 trạm BTS công ích để phủ sóng di động cho các địa bàn khó khăn. 11/12 thôn thuộc vùng 135 của tỉnh đã được phủ sóng di động, duy chỉ còn thôn Đài Van, xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn) là Viettel Quảng Ninh đang hoàn tất việc xây dựng trạm BTS, dự kiến sẽ đưa vào phát sóng di động Viettel trong tháng 10/2021.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TT&TT, dù đã có nhiều nỗ lực để xây dựng các trạm BTS nhằm xóa vùng "lõm" sóng di động, nhưng do đặc thù địa bàn phức tạp, đồi núi che chắn, dân cư sinh sống phân tán, nên phạm vi phủ sóng chưa thể đáp ứng được 100% nhu cầu của người dân tại các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, ở một số địa bàn ít dân cư, chỉ có một doanh nghiệp viễn thông đầu tư trạm BTS, nên người dân ở đây chỉ có thể sử dụng SIM di động của chính mạng viễn thông đó mới có thể liên lạc được, do đó sẽ xảy ra tình trạng người ở địa phương khác đến, nếu không dùng SIM cùng mạng sẽ không liên lạc được bằng điện thoại di động.
Ngoài ra, cũng theo lý giải của Sở TT&TT, đối với một số đảo như Thắng Lợi, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), Thanh Lân (huyện Cô Tô)… hạ tầng truyền dẫn vẫn phải thực hiện bằng phương thức truyền dẫn viba, dẫn đến chất lượng không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết.
Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân chủ quan như sự đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc vào chủ trương của tập đoàn, tổng công ty, đa số việc xây dựng các trạm BTS tại vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ về doanh thu để duy trì hoạt động trạm. Hay như tốc độ đô thị hóa nhanh cũng dẫn tới mật độ thuê bao tăng, nhu cầu sử dụng, chiếm dụng băng thông di động lớn, sẽ xảy ra việc tạm thời “lõm” sóng 3G, 4G…
Với quan điểm chung của tỉnh là tiếp tục ưu tiên quan tâm cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, người dân vùng sâu, vùng xa, thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng “lõm” sóng di động. Theo đó, ngành sẽ rà soát kỹ lưỡng, lập danh sách cụ thể các điểm "lõm" sóng và phân công đơn vị triển khai phủ lõm theo lộ trình.
Bước đầu rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 70 điểm “lõm” sóng di động, 117 điểm chưa có Internet cáp quang băng thông rộng, Sở đã họp bàn cùng các đơn vị để triển khai những bước tiếp theo. Đồng thời, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, cũng như kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp viễn thông trong việc xây dựng các trạm công ích phủ sóng di động.
Từ nay đến cuối năm, Sở TT&TT cũng sẽ đôn đốc các đơn vị hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm BTS tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu); xây dựng trạm BTS tại xóm Bằng Danh, Bằng Ván, xã Đồng Lâm (TP Hạ Long); phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 70 trạm BTS công ích để đảm bảo xóa vùng “lõm” sóng di động.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()