Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:59 (GMT +7)
Nỗ lực vừa dạy học, vừa bồi dưỡng chương trình mới qua mạng
Thứ 5, 27/05/2021 | 16:38:18 [GMT +7] A A
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2019, vài trăm nghìn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các địa phương đã và đang tham gia bồi dưỡng qua mạng với Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).
Hoạt động này diễn ra thường xuyên, liên tục trong năm học và trong quá trình làm việc, buộc thầy cô phải nỗ lực sắp xếp thời gian để vừa hoàn thành công việc chuyên môn của trường, vừa hoàn tất module bồi dưỡng.
Ngày làm việc trường, tối tự bồi dưỡng
Năm 2020, 2021, thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) tham gia bồi dưỡng trên mạng 3 module (1, 2, 3) dành cho cán bộ quản lý đại trà. Ngày thực hiện công tác quản lý chuyên môn của trường vốn bộn bề công việc do vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1, các khối trên vẫn dạy-học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Còn buổi tối, sau khi cùng gia đình sum họp bên mâm cơm, thầy Dũng mới có thời gian tự học các module của chương trình ETEP để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Con học bài của con, bố học bài của bố. Vợ tôi là giáo viên cũng mở máy tự bồi dưỡng các module”, thầy Dũng cười và kể về những buổi tối của gia đình học tập. Có giai đoạn công việc ở trường nhiều, thời gian hoàn thành khoá bồi dưỡng gấp gáp, thầy phải thức đến 3h sáng để nghiên cứu và thực hiện các bài tập của module.
Dù vất vả và đôi lúc cảm thấy áp lực nhưng thầy Dũng cho biết, các nội dung bồi dưỡng rất thú vị, hữu ích và thiết thực cho các cán bộ quản lý giáo dục. Từ trước đến nay, chưa bao giờ nhóm đối tượng này được bồi dưỡng chuyên sâu về khoa học quản lý nhà trường để biết cách quản trị hoạt động dạy học, quản trị nhân sự và tài chính hiệu quả. Tất cả những việc đó chủ yếu được thực hiện bằng kinh nghiệm người trước truyền cho người sau.
Giờ đây, khi đã “nắm trong tay” các kiến thức khoa học quản lý, thầy Dũng đã biết cách sắp xếp, bố trí và quản lý nhân sự trường học một cách hợp lý hơn để có thể phát huy tối đa năng lực của mỗi thành viên và tạo điều kiện cho từng cá nhân sáng tạo, phát triển. Việc quản trị tài chính cũng được thực hiện bài bản, khoa học hơn, vừa giúp chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm, vừa tạo cơ chế để khuyến khích nhân sự cống hiến vì chất lượng giáo dục của trường.
Luân phiên dùng máy tính của trường để tự bồi dưỡng
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Đồng Lâm 2 (tỉnh Quảng Ninh), không khí bồi dưỡng các module thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng diễn ra sôi nổi trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở cả 2 cấp học. Tranh thủ những khoảng thời gian trống giữa các tiết học hoặc các buổi sinh hoạt chuyên môn, các thầy, cô trong từng tổ lại hô hào “bê” máy tính cùng học chung với nhau. Người trẻ hướng dẫn người lớn tuổi các thao tác, kỹ thuật để tự học trên Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS). Người biết nhiều hỗ trợ người biết ít, cùng nỗ lực để hoàn thành các module bồi dưỡng.
Là trường học của phần lớn học sinh người dân tộc thiểu số (Dao, Sán Dìu, Tày) nằm ở huyện miền núi Hoành Bồ (nay thuộc TP. Hạ Long), các giáo viên còn chưa trang bị được đầy đủ máy tính xách tay để có thể tự bồi dưỡng ở nhà. Vì thế, những chiếc máy tính của trường được từng tổ chuyên môn luân phiên nhau sử dụng. Cô Bàn Thị Hường, giáo viên lớp 1A1 là một trường hợp chưa có máy tính cá nhân như thế. Vì vậy, cô phải luôn phải cố gắng hoàn thành sớm các module bồi dưỡng của mình để chuyển máy cho thầy cô khác. Trong quá trình vận dụng kiến thức học được vào thực tế giảng dạy trên lớp, nếu cần nhớ lại hay nghiên cứu sâu hơn tài liệu, cô lại mượn thiết bị của nhà trường để tự bồi dưỡng thêm.
Ở xã vùng cao Đồng Lâm, đường truyền internet kém, trời mưa gió lại thường xuyên bị mất điện nên việc bồi dưỡng qua mạng của giáo viên và cán bộ quản lý gặp nhiều gián đoạn, khó khăn. Dịp cuối tuần, hệ thống LMS cũng thường bị nghẽn do có nhiều giáo viên đồng thời vào học, đặc biệt khi các module đều có nhiều video và phải tập trung xem hết mới có thể trả lời câu hỏi để học nội dung tiếp. Mô hình không cho phép “nhảy cóc” và hạn chế gian lận trong quá trình học tập tự bồi dưỡng này là ưu điểm nhưng những điều kiện khách quan nói trên cũng ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ học tập của các cô, thầy.
Ngoài việc tinh gọn hơn các module bồi dưỡng, tập trung vào các nội dung trọng điểm cần cung cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý để giảm áp lực thời gian và độ nghẽn khi học qua video, cô Hường, thầy Dũng và nhiều thầy cô khác mong muốn rằng, hoạt động bồi dưỡng sẽ diễn ra chủ yếu trong dịp hè. Tổ chức bồi dưỡng các module trong dịp hè cũng là định hướng mà Bộ GD&ĐT, các địa phương và 8 trường đại học sư phạm trọng điểm tham gia Chương trình ETEP đã thống nhất và cố gắng thực hiện từ năm 2021 này. Đây là thời điểm giúp giảm tải công việc cho giáo viên và khi tập trung được thời gian cho bồi dưỡng, hiệu quả và chất lượng của hoạt động này cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()