Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:42 (GMT +7)
Nỗ lực triển khai kỹ thuật ghép thận
Thứ 5, 27/06/2024 | 12:16:42 [GMT +7] A A
Với mong muốn đưa kỹ thuật công nghệ cao, giải pháp mới của y học hiện đại vào phục vụ nhân dân Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đang tích cực xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) - một trong những đơn vị đi đầu về lĩnh vực ghép tạng của cả nước.
Ngày 31/5 vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có buổi làm việc để khảo sát, đánh giá khả năng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại 2 bệnh viện: Đa khoa tỉnh và Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Theo đó, tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ký biên bản hợp tác về ghép thận với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định, việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật y tế luôn được bệnh viện chú trọng, quan tâm, nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho cán bộ y tế tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cần đảm bảo nguồn kinh phí để mua sắm, bổ sung trang thiết bị, vật tư tiêu hao, cơ sở hạ tầng... Đặc biệt là nguồn nhân lực phải được lựa chọn kỹ để phục vụ hiệu quả công tác đào tạo, tiếp nhận các gói kỹ thuật ghép thận từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Với tiền đề là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện việc lấy đa tạng từ người cho chết não, từ đó chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước hồi đầu tháng 4/2024, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã nhanh chóng xây dựng dự thảo Đề án ghép thận và từng bước triển khai các công việc để có thể đưa kỹ thuật ghép thận vào thực hiện. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, chia sẻ: Bệnh viện mong muốn được tiếp nhận gói kỹ thuật ghép thận để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh mắc các bệnh lý về thận - tiết niệu. Hiện bệnh viện đang khám và điều trị cho hơn 140 người bệnh suy thận mạn, thực hiện lọc máu nhân tạo cho 18.000 lượt người bệnh/năm; trong đó có nhiều người bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Theo đề án ghép thận của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, đơn vị sẽ bố trí hơn 70 người đi đào tạo, tham gia vào các quy trình ghép thận. Đồng thời, trang sắm thêm các thiết bị y tế, như: Máy xét nghiệm miễn dịch trong ghép thận, dụng cụ bảo quản thận trước khi ghép... Qua đó sẽ sớm hoàn thiện các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, kỹ thuật xét nghiệm và các cơ sở pháp lý khác để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận sớm nhất.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có khoảng 150 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, trong đó nhiều trường hợp suy thận giai đoạn cuối đang chờ ghép thận. Với quyết tâm ghi tên tỉnh Quảng Ninh vào bản đồ ghép thận Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Bệnh viện dự kiến sắp xếp khoảng 40 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia vào tất cả các quy trình ghép thận. Trong quý III/2024, bệnh viện sẽ bố trí từng kíp đi học tập để có các chứng chỉ đào tạo chuyên sâu về ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đồng thời, đề xuất với Sở Y tế đầu tư nâng cấp phòng mổ, bổ sung một số trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế về ghép thận.
Được biết, nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được tỉnh và ngành y tế quan tâm đầu tư nhiều máy móc, thiết bị y tế hiện đại, ngang tầm Trung ương. Qua đó, y, bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu ở các chuyên ngành: Phẫu thuật tim hở, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật tiết niệu, phẫu thuật thần kinh, điện quang can thiệp, đột quỵ, hồi sức - thận nhân tạo... Đây là nền tảng để bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận trong thời gian tới.
Theo thống kê của ngành Y tế Quảng Ninh, toàn tỉnh có gần 1.000 bệnh nhân đang chạy thận, lọc máu chu kỳ, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có chỉ định ghép thận. Trong khi việc chạy thận, lọc máu chu kỳ thường xuyên gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ bệnh nhân, thiệt hại về kinh tế. Do đó, việc triển khai được kỹ thuật ghép thận sẽ mở ra cơ hội điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm được nhiều gánh nặng so với chạy thận 3 lần/tuần.
Quảng Ninh và ngành y tế cũng đang thúc đẩy hoạt động vận động hiến mô tạng, bộ phận cơ thể người từ bệnh nhân chết não để tăng nguồn tạng hiến. Đến nay, toàn tỉnh có 1.360 người tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng. Việc có nguồn tạng hiến là cơ hội để các bệnh viện có thể triển khai kỹ thuật ghép thận trong thời gian tới, giúp nối dài sự sống cho nhiều người bệnh đang suy thận giai đoạn cuối cần ghép.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()