Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:56 (GMT +7)
Nỗ lực thực hiện công tác an sinh xã hội
Thứ 5, 22/06/2023 | 06:23:49 [GMT +7] A A
Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, từ đó ưu tiên dành nguồn lực cho công tác an sinh xã hội.
Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,1%. Trong lĩnh vực y tế, đạt 61 giường bệnh/1 vạn dân, 15 bác sĩ/1 vạn dân, 3 dược sĩ đại học/1 vạn dân, trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 95%. Tỉnh duy trì mức giảm trung bình 0,8%/năm, trong đó mức giảm trung bình khu vực thành thị 0,3%/năm, khu vực nông thôn 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1%. Đến hết năm 2023, có 100% xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 25% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Để đạt được mục tiêu đề ra "Để mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực lớn để chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, quan tâm chất lượng đào tạo nghề, chất lượng lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, sinh kế và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; tăng cường hỗ trợ thu hút, tuyển dụng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trong KCN, KKT của tỉnh...
Tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo không có khả năng lao động, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Từ năm 2020-2022, tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội của tỉnh đạt 6.083 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức chi trả kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 1/7/2021) và Nghị quyết 116/NQ-CP (ngày 24/9/2021) của Chính phủ.
Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ cung ứng, tuyển dụng, thu hút lao động cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Từ năm 2020-2022, trung bình tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 14.000 lao động/năm. Số người đã được tạo việc làm tăng thêm tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp - xây dựng (55,03%) và thương mại - dịch vụ (44,97%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm tăng thêm cho 9.600 người, tập trung chủ yếu vào các khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Song song với đó, công tác giáo dục - đào tạo được tỉnh quan tâm, trong đó tỉnh quan tâm xây dựng tài liệu giáo dục địa phương đảm bảo đúng lộ trình, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh được các cấp, ngành đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi, cuộc thi. Quảng Ninh có 1 học sinh vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương - Giải cao nhất học sinh giỏi khu vực, quốc tế kể từ năm 2016 đến nay.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tỉnh quan tâm và đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, để ứng phó với đại dịch Covid-19, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản từ sớm, từ xa, chủ động ứng phó, trong đó linh hoạt, quyết liệt trong triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho người dân. Ngành Y tế không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác phòng chống dịch. Quảng Ninh là tỉnh đi đầu triển khai các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu và xét nghiệm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về môi trường, y học lao động, thực phẩm.
Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm phát triển mạng lưới khám chữa bệnh và hệ thống cấp cứu, đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nhất là khu vực biên giới, hải đảo. Đồng thời, chú trọng phát triển các kỹ thuật cao chuyên sâu và ứng dụng CNTT trong kết nối với các đơn vị y tế tuyến Trung ương cùng một số bệnh viện trong khu vực để tranh thủ sự hỗ trợ đối với việc triển khai thực hiện tại chỗ các kỹ thuật cao.
Đến nay, Quảng Ninh đạt các chỉ tiêu: 14,9 bác sĩ/vạn dân, 2,7 dược sĩ đại học/1 vạn dân, 24 điều dưỡng/1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 94,25% dân số; quản lý, theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử cho 94,3% dân số. Riêng chỉ tiêu giường bệnh/1 vạn dân còn thấp, mới đạt 56,6 giường bệnh/1 vạn dân.
Ở mỗi thời điểm, tỉnh linh hoạt vận dụng những chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn với mục tiêu cao nhất “Vì lợi ích của người dân”. Tại kỳ họp thứ 13 (tổ chức cuối tháng 3/2023), HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn; giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện KT-XH địa phương; người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng, miền trong tỉnh...
Với những nỗ lực trên nhiều phương diện, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()