Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:44 (GMT +7)
Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Thứ 3, 07/06/2022 | 09:29:35 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa Luật Bình đẳng giới (có hiệu lực từ 1/7/2007) từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Trên cơ sở hệ thống pháp luật và các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về bình đẳng giới, Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11-NQ/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và các chương trình, đề án, chiến lược, chính sách về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tỉnh chủ động ban hành kế hoạch thực hiện trong các giai đoạn 2011-2015; 2016-2020 và giai đoạn 2021-2030; thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực và vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nâng cao nhận thức cho người dân.
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo... Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn, số lượng người tham gia... Hình thức truyền thông cũng được đổi mới. Các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật phòng chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ. Với nhiều giải pháp linh hoạt, công tác bình đẳng giới đạt được kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét.
Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh tăng cao hơn các nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh đạt 16,98%; nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 29,3%. Tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XV đạt 37,5% (tăng 8,93% so nhiệm kỳ trước), nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 37,1% (trong đó cấp tỉnh đạt 40,91%, cấp huyện 34,05%, cấp xã 36,39%). Đội ngũ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh hiện đạt 21,76%; đối với cấp huyện là 13,3%; cấp xã đạt 19,37%.
Phụ nữ được đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp, tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng tăng. Chính sách đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phụ nữ yếu thế được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm hàng năm đạt từ 45,05-46,2% (vượt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới), bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 19.500 lao động. Từ năm 2011 đến nay, số nữ lao động nông thôn được đào tạo nghề 12.823 lao động, chiếm 54,9% lao động nông thôn được đào tạo. Đến năm 2021, số lao động nữ làm việc trong doanh nghiệp, dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 64% (khoảng 21.700 lao động nữ). Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng lên rất đáng kể, năm 2021, số doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt 21,29% (3.746 doanh nghiệp, tăng 9,29% so với thời điểm năm 2010). Phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng lên, từ 24,6% (năm 2007) tăng lên 37% (năm 2021).
Tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh Quảng Ninh giảm từ mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái (trong giai đoạn 2007-2011; là 1 trong 10 tỉnh, thành có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước) xuống còn 110 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2021, đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia đề ra.
Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em được tăng cường thông qua phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp dịch vụ và duy trì, nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực giới ở các cấp; việc phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và bạo lực giới được nghiêm minh. Tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh cũng giảm xuống đáng kể. Năm 2008, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh 332 vụ, đến năm 2021 giảm mạnh chỉ còn 74 vụ. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 3.006 vụ bạo lực gia đình, trên 80% số nạn nhân bị bạo lực gia đình được tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn bạo lực gia đình; số người có hành vi gây ra các vụ bạo lực được tư vấn, giáo dục ở cơ sở tư vấn hoặc ở cộng đồng đạt 75,8%.
Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ cho nạn nhân, giải quyết các vụ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh được triển khai có hiệu quả. Tỉnh đã triển khai 22 mô hình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020; 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2023; triển khai hiệu quả mô hình Ngôi nhà Ánh Dương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Quỹ Dân số Liên hợp quốc; phát huy mô hình phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh và duy trì, kết nối với hệ thống 16 văn phòng công tác xã hội cấp huyện, xã, trường học và bệnh viện; 793 CLB phòng chống bạo lực gia đình; 1.893 cộng tác viên tại thôn, bản, khu phố; 1.572 tổ hòa giải ở cơ sở; 1.349 cơ sở khám, chữa bệnh có nơi bố trí hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; 266 cơ sở bảo trợ xã hội; 331 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhằm phát hiện, tư vấn, trợ giúp kịp thời nạn nhân bị bạo lưc trên cơ sở giới...
Sau 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Quảng Ninh đã đạt được kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong hành động, nhận thức về bình đẳng giới, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn tới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, khó khăn còn tồn tại, đúc rút từ những kinh nghiệm thực tiễn, từ đó xây dựng giải pháp phù hợp, kịp thời có những đề xuất, kiến nghị đến các bộ, ngành để việc triển khai được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()