Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 07:47 (GMT +7)
Nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao kinh tế phục vụ đất nước
Thứ 5, 21/12/2023 | 14:22:51 [GMT +7] A A
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cùng dự có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược, linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên cường vì lợi ích quốc gia-dân tộc, ngành ngoại giao đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, cùng các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các trụ cột, binh chủng đối ngoại và ngoại giao. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Phiên toàn thể khai mạc Hội nghị Ngoại giao 32, công tác đối ngoại trong 3 năm qua đã “đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước trong những năm qua”.
Các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục trên cả bình diện song phương và đa phương. Trong 3 năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và tham dự nhiều diễn đàn đa phương quan trọng, đồng thời đón gần 50 chuyến thăm của Lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sử.
Cùng với đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi. Ngành ngoại giao đã cùng với quốc phòng và an ninh giữ vững trật tự, an toàn xã hội bên trong, môi trường hòa bình, ổn định bên ngoài, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh, mở ra cơ hội để chúng ta đẩy mạnh huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại, có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế.
Quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Ngành Ngoại giao đã được tổ chức quán triệt, triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về ngoại giao kinh tế. Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 15 về công tác ngoại giao kinh tế, Chính phủ đã kịp thời ban hành Chương trình hành động, tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng từ trung ương tới địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thống nhất nhận thức ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản của nền ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch và biện pháp triển khai toàn diện, đồng bộ và thống nhất công tác ngoại giao kinh tế.
Ngành đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: vừa phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. “Ngoại giao vaccine” đã đóng góp trực tiếp vào thực hiện thắng lợi chiến lược tiêm chủng, tạo tiền đề cho đẩy lùi dịch Covid-19.
Trong 3 năm qua, chúng ta đã tổ chức gần 200 hoạt động đối ngoại cấp cao với hợp tác kinh tế là trọng tâm, bám sát định hướng phát triển của đất nước và đạt nhiều kết quả đột phá quan trọng về mở rộng thị trường, tạo dựng các động lực tăng trưởng mới như thiết lập đối tác số, đối tác xanh, ODA thế hệ mới…
Hợp tác kinh tế với nhiều đối tác ngày càng mở rộng, sâu sắc và thực chất hơn. Các khuôn khổ quan hệ mới mở ra nhiều cơ hội hợp tác và không gian phát triển mới cho nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng hiệu quả gắn với thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển bền vững đất nước. Vị thế, uy tín và dấu ấn của Việt Nam nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, Nhóm G77, OECD… Mạng lưới các hiệp định thương mại tự do FTA tiếp tục được mở rộng đi đôi với triển khai hiệu quả với 16 FTA đã ký. Chúng ta đã có bước đi chủ động, sáng tạo và quyết đoán đối với các liên kết kinh tế mới như thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), Vành đai, Con đường…; vừa tranh thủ được các xu thế phát triển mới và nguồn lực mới, đồng thời khẳng định trách nhiệm đối với các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong các hoạt động ngoại giao kinh tế. Các bộ, ngành tích cực đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là về kết nối đối tác, mở rộng xuất khẩu, thu hút FDI có chất lượng, hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa-xã hội,…
Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; 13 danh hiệu của các địa phương được UNESCO công nhận và còn nhiều hồ sơ di sản UNESCO đang xem xét. Kết nối các địa phương với đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng sâu rộng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Phát huy mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, đầu tư kinh doanh ở nước ngoài; đồng thời, thẩm tra, xác minh đối tác, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp ta như hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư tại Lào, Peru và một số nước châu Phi, xử lý vụ việc 100 container hạt điều có dấu hiệu bị lừa đảo tại Italia…
Triển khai ngoại giao kinh tế có nhiều mặt được đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các ngành, các cấp. Việc phối hợp triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết ngày càng bài bản và hiệu quả hơn. Trao đổi thông tin đã thông suốt hơn, nhiều cơ chế phối hợp mới giữa các ngành, các địa phương được thiết lập và vận hành hiệu quả.
Ví dụ, thông qua triển khai Thỏa thuận phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao đã kết nối Bộ Nông nghiệp với đầu mối phân phối nông sản của nhiều nước, trưng bày, quảng bá sản phẩm nông sản Việt Nam tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương định kỳ tổ chức giao ban giữa các Cơ quan đại diện và Thương vụ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tìm kiếm thị trường, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu dệt may, da giày, điện tử, thép, gỗ, thủy sản...
Nghiên cứu, tham mưu, dự báo kinh tế đối ngoại kịp thời cập nhật thông tin về các xu thế, vấn đề mới trong kinh tế thế giới, tổng hợp kinh nghiệm các nước về an ninh năng lượng, thuế tối thiểu toàn cầu, cơ chế định giá các-bon, phát triển hydrogen, quản lý trí tuệ nhân tạo…, góp phần thiết thực phục vụ điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ và triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Có thể khái quát, ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ rộng khắp các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đóng góp quan trọng vào tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay. Việt Nam đến nay là nền kinh tế lớn thứ 11 châu Á, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là một trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng nấc, trong đó đã ký 16 FTA bao trùm tất cả các nền kinh tế chủ chốt của thế giới.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()