Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:29 (GMT +7)
Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới bền vững
Thứ 6, 12/03/2021 | 06:46:36 [GMT +7] A A
Những năm qua, rất nhiều mô hình, cách làm hiệu quả đã được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Quảng Ninh triển khai, nhằm nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) bền vững. Nhờ đó, vai trò, vị thế của nữ giới ngày càng được nâng cao. Người phụ nữ không chỉ được bảo vệ, mà còn có nhiều cơ hội để khẳng định tầm quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Phòng chống bạo lực giới
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được thực hiện, song vấn đề bạo lực giới vẫn xảy ra hằng ngày ở các quốc gia. Đáng chú ý, phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân chủ yếu của bạo lực giới. Theo ước tính, cứ 3 phụ nữ trên thế giới có 1 người đã từng bị bạo lực trong đời. Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 hiện nay, vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn.
Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng cần được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. |
Quảng Ninh hiện có tổng số trên 485.000 phụ nữ và trẻ em gái, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Đây vốn được coi là lực lượng yếu thế so với nam giới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thậm chí ngay cả tại một số bộ phận khu vực thành thị.
Các số liệu thống kê tại Quảng Ninh cho thấy, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn vẫn chưa có xu hướng giảm nhiều, còn xảy ra những vụ việc nghiêm trọng mà nạn nhân có đến 70% là phụ nữ và trẻ em. Nhiều con số và những câu chuyện về bạo lực gia đình khiến người ta không khỏi đau lòng.
Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.056 vụ bạo lực giới, trong đó có đến 885 nạn nhân là phụ nữ bị bạo hành gia đình. Và trong 5 năm qua, chỉ riêng các lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, trợ giúp 215 nạn nhân bị buôn bán trở về là phụ nữ và trẻ em (trong đó có 48 nạn nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh). Đồng thời, xử lý hình sự 123 đối tượng, xử lý hành chính 23 đối tượng gây bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Tiểu phẩm với thông điệp "Nói không với bạo lực gia đình" được thể hiện tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 của tỉnh. |
Trước thực trạng này, xác định ý nghĩa quan trọng của bình đẳng giới, nhất là trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức nhiều hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội... Đến nay, đã có 25 mô hình BĐG được triển khai tại tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; thành lập 56 CLB Hôn nhân gia đình và bình đẳng giới, 76 Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh, 28 số điện thoại đường dây nóng ở cấp xã.
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm dự án Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương). Đây là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới, được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2020. Ông Nguyễn Phúc Phong, Giám đốc Ngôi nhà Ánh Dương và Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu, đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực.
Bên trong phòng tạm lánh của Ngôi nhà Ánh dương tại Quảng Ninh. |
Từ khi đi vào hoạt động cho đến tháng 12/2020, qua tổng đài 1800.1769, Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận 137 cuộc gọi liên quan đến BĐG, cung cấp dịch vụ cho 47 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp tạm lánh khẩn cấp.
Mô hình này đã trở thành địa chỉ an toàn cho những người bị bạo lực giới, nơi họ được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và chăm sóc kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cả về tổn thương thể xác lẫn hỗ trợ tâm lý, đảm bảo an toàn và hỗ trợ tư pháp… Đây cũng là những nỗ lực ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới, nhằm bảo vệ, đem lại một cuộc sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Nâng cao vị thế người phụ nữ trong xã hội
Không chỉ được bảo vệ khỏi các vấn nạn xã hội, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng được tạo điều kiện để khẳng định vai trò quan trọng của mình trên các lĩnh vực như: Tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, làm chủ kinh tế... nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực.
Tỷ lệ nữ giới tham gia cấp ủy, HĐND ở nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. (Trong ảnh: Thường trực HĐND tỉnh tổ chức gặp mặt nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện tháng 3/2020). Ảnh: Đỗ Phương |
Minh chứng rõ nét nhất là số lượng cán bộ nữ trong các cơ quan, sở, ban, ngành được tăng lên, ngày càng nâng cao về chất lượng và từng bước trẻ hoá về độ tuổi. Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, tỷ lệ nữ giới tham gia cấp ủy, HĐND ở nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ giới tham gia cấp ủy cấp tỉnh đạt 17,9% (tăng 3,4%), cấp huyện đạt 19,08% (tăng 2,01%), cấp xã đạt 25,2% (tăng 3,62%). Tham gia HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ giới đạt 36% ở cấp tỉnh (tăng 5,9%), cấp huyện 31,1% (tăng 1,1%), cấp xã 33,4 (tăng 4,7%). Đã có 49,8% cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trao Bằng khen cho 34 nữ doanh nhân, nữ chủ hộ có thành tích xuất sắc trong thi đua phát triển kinh tế và phong trào phụ nữ giai đoạn 2016 - 2020. |
Rõ ràng, khi phụ nữ nắm những vị trí lãnh đạo, vai trò, tiếng nói của nữ giới đã được nâng tầm, xóa bỏ quan niệm chưa đầy đủ trước kia. Để có được những vị trí đó là sự nỗ lực hết mình, tận tâm, tận lực của những người phụ nữ luôn phải mạnh mẽ vươn lên.
Nhiều phụ nữ đã thực sự chứng tỏ được bản thân khi tự mình làm chủ kinh tế. Trên địa bàn Quảng Ninh, nhiều doanh nhân nữ đảm nhiệm vai trò “chèo lái”, điều hành sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, nhỏ... Ngay cả trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nữ doanh nhân và nữ chủ hộ kinh doanh luôn chủ động học hỏi, đổi mới phương thức kinh doanh, cách thức cung cấp dịch vụ, từ đó đảm bảo doanh thu, kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào NSNN và công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh.
Phụ nữ đã ngày càng tham gia một cách tích cực hơn vào phát triển kinh tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê, tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm hằng năm tại Quảng Ninh đạt từ 48,66-52,75,2%; tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới giai đoạn 2016-2020 tăng 6,55% so với giai đoạn 2011-2015.
Nữ chiến sĩ tham gia công tác giám định ma túy trong lực lượng CAND Quảng Ninh. |
Ngay cả ở những vùng sâu, vùng xa, phụ nữ cũng đang được tạo điều kiện và trợ lực để dần làm chủ kinh tế, vươn lên thoát nghèo, chứng tỏ vai trò của bản thân. Ở huyện biên giới Bình Liêu, do địa hình vùng núi xa xôi, cách trở, người dân tộc thiểu số chiếm đa phần, nên điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những địa bàn mà phụ nữ càng phải chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới.
Chị Lương Thị Sủi, Chủ tịch Hội LHPN xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, cuộc sống của phụ nữ nơi đây đã dần có những đổi thay tích cực. Phụ nữ đã mạnh dạn hơn, can đảm hơn. Trong nhiều gia đình, chính người phụ nữ sau khi được Hội Phụ nữ động viên, khích lệ đã chủ động bàn bạc với chồng cách làm ăn, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ thế, họ dần làm chủ được cuộc sống của mình.
Mô hình nuôi gà đồi, trồng các loại cây lấy hạt có giá trị kinh tế cao của gia đình chị Hoàng Thị Xuân (thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu). |
Đó là những người phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn, tư tưởng dám làm, dám đổi thay như chị Hoàng Thị Xuân (thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu). Là người dân tộc Tày, xuất thân từ gia đình thuần nông, điều kiện gia đình chị Xuân vốn không có lực để thoát nghèo. Thế nhưng, bằng ý chí luôn cố gắng vươn lên, được sự động viên của Đảng ủy, chính quyền xã, huyện và các đoàn thể, đặc biệt là sự hỗ trợ về giống, vốn từ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", năm 2018, chị Xuân là người đầu tiên trên địa bàn huyện Bình Liêu mạnh dạn trồng 700 gốc macca, 700 gốc sachi, 100 gốc bưởi, cùng với đàn gà được tái đàn nhiều lần... Với mô hình kinh tế mới, đa dạng, chị Xuân đã có nguồn thu nhập ngày một tốt hơn, từ đó không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Cần tiếp tục những biện pháp dài hơi
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức về vấn đề BĐG trong các nhóm xã hội, như: Gia đình, dòng họ, làng xã, dân tộc, nghề nghiệp... vẫn chưa đồng đều, thiếu sự thống nhất. Do đó, vai trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn còn bị xem nhẹ; quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình chưa được bảo đảm tốt, dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số...
Nữ công nhân tại Công ty TNHH Sao Vàng, chi nhánh Uông Bí. |
"Với vai trò là một tổ chức về giới, Hội LHPN tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật, chính sách BĐG. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về BĐG, quyền của phụ nữ cho các tầng lớp phụ nữ; lồng ghép, động viên phụ nữ cố gắng, nỗ lực, tự mình vươn lên để vượt qua các rào cản. Phụ nữ phải xác định bản thân bình đẳng với gia đình và trong xã hội. Biết hy sinh, nhưng phải xứng đáng. Nhẫn nhịn, chịu đựng không chia sẻ chính là làm tăng nguy cơ của hành vi bạo lực" - Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, khẳng định.
Để thực hiện tốt công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bà Lê Thị Hồng Thái, Trưởng phòng Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng: Cần tập trung các giải pháp tăng cường tuyên truyền ở cơ sở, hướng mạnh tới đồng bào dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế và các khu công nghiệp có đông lao động nữ, hướng tới đối tượng là nam giới tham gia công tác BĐG.
BĐG không phải chỉ là trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, mà đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông rộng rãi, việc đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự đồng cảm, sẻ chia ở nam giới sẽ là một cách tích cực, nhằm từng bước xóa mờ những định kiến, tiến tới BĐG bền vững.
Khánh Hằng - Khánh Đan
Liên kết website
Ý kiến ()