Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:39 (GMT +7)
Nỗ lực thích ứng, xuất nhập khẩu 2021 lập kỳ tích
Thứ 6, 31/12/2021 | 10:10:52 [GMT +7] A A
Vượt qua hàng loạt khó khăn thách thức, xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đã về đích ngoạn mục với con số cao hơn dự báo rất nhiều. Đây là thành quả từ sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Xuất nhập khẩu “vượt bão”
Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, đặc biệt trong những tháng giữa năm 2021 đã khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản gần như phải đóng cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, các tháng cuối năm 2021, việc sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đã tăng tốc trở lại theo trạng thái bình thường mới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, trong tháng 12/2021, xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì mức 800 triệu USD, đưa kim ngạch cả năm đạt trên 8,8 tỷ USD, tăng 5% so năm 2020.
“Năm 2021 thực sự là năm sóng gió với doanh nghiệp thủy sản khi trong quý III, nhiều nhà máy phải hoạt động “3 tại chỗ”, khiến chi phí bị đội lên. Đồng thời các quy định kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương phía nam không thống nhất gây nên gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Do đó, có thời điểm công suất chế biến thủy sản ở các nhà máy phía nam giảm tới 70%. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đã và đang từng bước nỗ lực, khắc phục để bắt nhịp vào xu thế chung, lấy đà khôi phục lại hoạt động”, ông Hòe chia sẻ.
Thủy sản là một trong những ngành nghề đã vượt qua khó khăn, đạt thành tích xuất nhập khẩu khả quan trong năm 2021, năm được đánh giá là rất khó khăn do dịch bệnh. Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố, tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so năm trước.
Về cán cân thương mại, tháng 12 ước tính xuất siêu 2,54 tỷ USD. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD).
“Thành tích xuất nhập khẩu năm 2021 là rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, cán cân thương mại đã nhập siêu trong nhiều tháng”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định.
Dịch bệnh cũng đã tác động rất nặng nề đến khu vực phía nam - khu vực động lực tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, kết quả xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, đã cho thấy sự kiên trì của các doanh nghiệp để nỗ lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn giãn cách. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, bắt kịp các cơ hội để duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong bối cảnh 2 năm vừa qua, khi dịch bệnh đã hạn chế các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, Bộ Công thương đã nhanh chóng chuyển hướng tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua mạng lưới thương vụ.
Có thể nói, đây là một sự chuyển hướng kịp thời, nhanh nhạy và cũng đem lại hiệu quả thiết thực để giúp cho các doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như quan hệ kinh doanh. Thậm chí, doanh nghiệp có thể tìm được những đối tác, bạn hàng ở những địa bàn mà trước đây chúng ta gần như khó có thể tiếp xúc như ở châu Phi, châu Đại Dương, Trung Đông thông qua nền tảng trực tuyến.
Duy trì hiệu quả xuất khẩu kể cả khi dịch quay trở lại
Hiện nay, dịch bệnh bắt đầu quay trở lại một số trung tâm sản xuất của Việt Nam như miền tây, Bắc Giang, Hà Nội… Điều này đã gây nên những lo ngại rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp về việc có thể các địa phương sẽ lại thực hiện những biện pháp chống dịch cực đoan, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 128 của Chính phủ. Điểm nổi bật của Nghị quyết này chính là sự thích ứng an toàn, trong đó hàm nghĩa là có thể chấp nhận mức độ rủi ro nhất định khi các yếu tố như ca nhiễm Covid-19 xuất hiện sẽ không dừng sản xuất cả một cơ sở lớn mà chỉ tạm dừng hoạt động ở phạm vi nhỏ nhất có thể. Việc các địa phương thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết sẽ giúp hoạt động xuất nhập khẩu không bị gián đoạn.
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Nhìn vào chiến lược phát triển của các quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam có thể thấy, xu hướng phát triển xanh, bền vững đang được các quốc gia hiện thực hóa. Đáng nói, các nhãn hàng lớn trên thế giới đều đã công bố lộ trình sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh. Điều này sẽ là thách thức lớn, buộc dệt may Việt Nam phải bắt nhịp nếu không muốn bị loại bỏ”.
Để bắt nhịp với xu hướng xanh hóa của dệt may thế giới, duy trì kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ông Lê Tiến Trường cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp cận các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng giải pháp tổng thể tái cơ cấu. Bên cạnh đó, tranh thủ tài nguyên lao động trước nguy cơ già hóa dân số từ sau năm 2035. Tiếp tục chuyển đổi số, tự động hóa để đáp ứng được đơn hàng quy mô lớn.
Sẽ khó có thể dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2022, nhưng có thể khẳng định, kết quả khả quan của năm 2021 có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Kết quả này cũng thể hiện sự tận dụng môi trường thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do chúng ta đang có. Kể cả trong bối cảnh hiện nay, khi khả năng cung ứng hàng hóa cũng như nhu cầu sử dụng trên thế giới đã bị ảnh hưởng và có sự thay đổi thì ta cũng có thể chớp cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là những yếu tố quan trọng giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()