Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:34 (GMT +7)
Nỗ lực tạo việc làm cho người lao động
Thứ 2, 31/07/2023 | 15:19:31 [GMT +7] A A
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, tuy nhiên thời gian qua tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì sản xuất, nỗ lực tạo việc làm cho người lao động.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH trước năm 2020, trung bình trên địa bàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho trên 19.000 lao động/năm. Giai đoạn 2020-2022 tạo việc làm tăng thêm cho trên 13.000 lao động/năm. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm.
Để triển khai thực hiện, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai, rà soát, tư vấn, thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các đơn vị tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện học nghề, tìm kiếm việc làm; vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm...
Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm hằng năm gắn với chỉ tiêu phát triển KT-XH tại các địa phương, đồng thời phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2021-2025. TP Hạ Long là địa phương đặt mục tiêu thực hiện giải quyết việc làm tăng thêm khá lớn khoảng 6.500 lao động. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã thực hiện đẩy mạnh việc hỗ trợ ngành Than thu hút, tuyển sinh lao động; tăng cường hoạt động phối hợp tư vấn, định hướng nghề trong các nhà trường THPT; đào tạo chuyển đổi nghề trong lao động nông thôn nhằm tạo việc làm tăng thêm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Cùng với đó, thành phố cũng tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nắm bắt thông tin nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động để định hướng việc làm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương số lao động được tạo việc làm tăng thêm trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh là 13.842 người, đạt 69,2% kế hoạch năm 2023.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm là: Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (thuộc Sở LĐ-TB&XH), 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, 3 doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Đây là những kênh kết nối người sử dụng lao động với người lao động, tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động có cơ hội bình đẳng trong tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tuyển dụng lao động. Ngoài ra, thông tin thị trường lao động tỉnh đang được triển khai liên tục thông qua tổ chức giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các địa điểm của tỉnh với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc… qua các nền tảng mạng xã hội, fanpage của sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Ninh nhằm cung cấp rộng rãi thông tin cho người sử dụng lao động và người lao động. Từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh đã tư vấn việc làm cho hơn 5.000 trường hợp, giới thiệu việc làm cho gần 1.600 trường hợp.
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Bám sát mục tiêu đã đề ra, kế hoạch của các địa phương còn gần 9.000 việc làm tăng thêm. Từ nay đến cuối năm cần tập trung các giải pháp: Tập trung giải ngân vốn đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường; sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm (đã cấp 90 tỷ đồng, tỉnh cho chủ trương cấp 160 tỷ đồng). Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu lao động, tập trung vào công nghiệp - xây dựng; dịch vụ - du lịch với mục tiêu thu hút khách du lịch - đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ, thu hút lao động đến sinh sống và làm việc lâu dài trên địa bàn tỉnh.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()