Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:09 (GMT +7)
Nỗ lực phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thứ 7, 29/06/2024 | 08:25:50 [GMT +7] A A
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, quyết liệt, có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn khách quan và với từng đối tượng tuyên truyền.
Với vai trò chủ trì, ngay từ khi triển khai Đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể. Trong quá trình thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền tại các hội nghị, Ban Dân tộc đã tích cực trao đổi, nắm thông tin đa chiều từ người dân, cán bộ cơ sở để đánh giá chính xác tình hình hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật nói chung, trong đó có các quy định liên quan đến tảo hôn và HNCHT. Để từ đó, xây dựng các tài liệu tuyên truyền cho phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, Ban Dân tộc và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh (Sở Y Tế) đã kiểm tra trên toàn bộ hệ thống sổ sách liên quan đến việc kết hôn, khai sinh, khám thai, theo dõi sinh đẻ tại các xã và đi thực tế tại các hộ dân, để vừa để có số liệu chính xác về thực trạng tảo hôn và HNCHT, vừa để thu thập thông tin, nắm bắt tâm tư, tình hình của người dân cũng như mối liên hệ giữa chính quyền địa phương với người dân.
Thực hiện Đề án này, cơ bản, cấp ủy, chính quyền các địa phương cấp huyện, cấp xã khu vực miền núi, vùng DTTS của tỉnh đã nhận thức và hành động tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch năm và phân công cụ thể cho từng đơn vị.
Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, như ở xã Quảng Phong, huyện Hải Hà thành lập mô hình "Phát huy vai trò người có uy tín, già làng, thầy cúng, thầy thuốc trong vùng DTTS vận động nhân dân tham gia công tác đảm bảo ANTT; phòng, chống tảo hôn". Từ khi có mô hình này, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở, xóa bỏ tập quán lạc hậu, phòng, chống tảo hôn trên địa bàn xã Quảng Phong được hiệu quả hơn. Qua đó, kịp thời phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện, nguy cơ tảo hôn, gây mất ANTT, có biện pháp ngăn ngừa, thông tin cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý, không để hậu quả xảy ra.
Hay như ở xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) đã sáng tạo chở loa di động đến từng cụm dân cư, ngõ xóm để phát thanh bằng ngôn ngữ Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, HNCHT, về các hình thức xử lý nếu vi phạm nhằm giảm thiểu tảo hôn trên địa bàn xã.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh tổ chức 6 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền vận động, kỹ năng xử lý tình huống trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tảo hôn và HNCHT; 13 hội nghị tập huấn kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kỹ năng bảo vệ, xóa bỏ bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, nâng cao năng lực cho chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tổ viên tổ hòa giải thôn, khu phố, cộng tác viên xã hội.
Cùng với đó, tổ chức 316 buổi sinh hoạt CLB “Phòng ngừa tảo hôn, HNCHT” với các nội dung về KHHGĐ, sử dụng các biện pháp tránh thai, việc chăm sóc SKSS và làm mẹ an toàn, một số phong tục tập quán trong việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết, ... đưa các quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, nội dung chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản làng, tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Với những nỗ lực như vậy, thực trạng tảo hôn, HNCHT trên địa bàn tỉnh đã có những ghi nhận khả quan. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021-2023, các địa phương không có tình trạng HNCHT. Từ tháng 1/2021 đến hết tháng 5/2023, vùng dân tộc thiểu số tỉnh có 298 trường hợp tảo hôn và 220 trường hợp sinh con trước độ tuổi quy định.
Riêng năm 2023, số phụ nữ sinh con trước độ tuổi kết hôn theo quy định là 45 trường hợp, giảm 38 trường hợp (54,2%) so với năm 2022. Số trường hợp tảo hôn là 44 trường hợp, giảm 92 trường hợp (32,3%) so với năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải khẳng định, công tác phòng chống tảo hôn, HNCHT trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp phải một vài tồn tại, khó khăn. Cụ thể là, trình độ của đội ngũ cộng tác viên ở các thôn, bản không đồng đều, mức phụ cấp hàng tháng thấp nên chưa phát huy được tính năng động, nhiệt tình và chưa chủ động phối hợp trong triển khai hoạt động truyền thông dân số nói chung và truyền thông phòng, chống tảo hôn và HNCHT nói riêng…
Để khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới, công tác phòng chống tảo hôn, HNCHT trên địa bàn tỉnh đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, cần chú trọng tăng cường kiểm tra cơ sở, kiến nghị việc xử lý nghiêm, đúng pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, để xảy ra tình trạng tảo hôn và HNCHT khi đã được các tổ chức đoàn thể ở thôn bản, người uy tín và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhưng vẫn tảo hôn hoặc duy trì tảo hôn, HNCHT. Đồng thời, phát huy tối đa trách nhiệm của cán bộ xã, vai trò các tổ chức đoàn thể ở thôn bản và người uy tín trong việc truyên truyền, ngăn chặn nguy cơ tảo hôn và HNCHT có thể xảy ra.
Lan Anh
- Giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
- Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đầm Hà lần thứ IV-2024
- Khai thác giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số sao cho hiệu quả?
- Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Liên kết website
Ý kiến ()