Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 09:50 (GMT +7)
Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024
Thứ 2, 29/01/2024 | 15:06:48 [GMT +7] A A
Ngày 29/1, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của tỉnh; nhiệm vụ trọng tâm tuần tới cùng một số nội dung quan trọng khác.
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, UBND tỉnh đã xây dựng Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024, đảm bảo mục tiêu GRDP năm 2024 đạt trên 10%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó thu xuất, nhập khẩu đạt trên 13.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất, với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo từng quý trong năm và giao trực tiếp tới từng cơ quan, đơn vị.
Thống nhất với các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Để giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong năm 2024 phải tập trung cho 3 trụ cột chính.
Trụ cột thứ nhất là tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trọng tâm là khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng và một số khu công nghiệp có đủ điều kiện có thể thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tránh dàn trải, trong đó khu vực Quảng Yên thu hút FDI đạt ít nhất 2,5 tỷ USD. Giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành Than, Điện theo quy hoạch của tỉnh và theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trụ cột thứ hai là phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phấn đấu trong năm thu hút từ 17 -20 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Trọng tâm là phát triển mới sản phẩm, dịch vụ, nhất là sản phẩm về đêm, công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; tăng doanh thu, mức chi tiêu bình quân của du khách, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, phải thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xã hội số bằng tư duy, quyết tâm, cách làm, bước đi bền vững của Quảng Ninh, tranh thủ mọi thời cơ, tận dụng tốt các cơ hội tạo ra sự bứt phá về tốc độ, chất lượng và hiệu quả để tạo thêm động lực mới, nguồn lực mới cho tăng trưởng, phát triển và làm giàu sức sống của lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Trụ cột thứ ba là đảm bảo thu ngân sách và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 55.600 tỷ đồng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án, chương trình mục tiêu, gắn trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân trong năm 2024.
Nhấn mạnh đến các giải pháp, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh, về nguồn vật liệu san lấp, về mặt bằng để triển khai dự án, về lao động, về an ninh trật tự để xác định hướng tháo gỡ, giao trách nhiệm cụ thể. Xem xét thành lập tổ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tổ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, hành động vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý giữa các cấp chính quyền tạo sự chủ động, năng động cho cơ sở, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao trách nhiệm giải trình; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kỷ luật của Đảng đi đôi với khuyến khích, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, “5 thật”, “6 dám”.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đột phá, trong đó tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng; quan tâm cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, chính quyền và trong mối quan hệ giữa các sở, ngành, địa phương; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả giai đoạn 2020-2025 và xa hơn nữa.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KHCN, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kếp hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển bền vững kinh tế biển nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế.
Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu phải tổ chức kiểm đếm tiến độ thường xuyên gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo mục tiêu và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về công tác tuần qua và nhiệm vụ trong tuần tới. Trong tuần qua, tỉnh đã tập trung quyết liệt nhiệm vụ chăm lo Tết chu đáo cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, lực lượng vũ trang; nhiều phần quà thiết thực của Trung ương, của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã được trao đến tận tay các đối tượng. Đặc biệt, vừa qua MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã huy động nguồn xã hội hóa để trao 33.570 suất quà với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo cả tiêu chí cũ của Trung ương và tiêu chí mới của tỉnh, thể hiện truyền thống đoàn kết gắn bó, chăm lo hạnh phúc nhân dân, trở thành nét đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai nhiệm vụ công tác năm; triển khai các biện pháp phòng chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi khi có rét đậm, rét hại xảy ra…
Về nhiệm vụ trọng tâm trong tuần tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chăm lo Tết cho nhân dân; chậm nhất đến ngày 30/1/2024 phải hoàn thành việc trao quà của Trung ương, của tỉnh đến với các đối tượng được thụ hưởng; nắm bắt chắc tình hình chi trả lương, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh. Chủ động chuẩn bị chu đáo các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, nhất là thời điểm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công tác năm; thực hiện có hiệu quả công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiếp kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2024…
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()