Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:32 (GMT +7)
Nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực giới
Thứ 2, 30/08/2021 | 05:57:17 [GMT +7] A A
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực giới, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bình đẳng giới; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về hậu quả của bạo lực trong gia đình và xây dựng, triển khai các mô hình, dịch vụ hiệu quả về phòng ngừa ứng phó với bạo lực.
Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra 1.056 vụ bạo lực trên cơ sở giới, chủ yếu là đối với phụ nữ và trẻ em; trong đó số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý là 965 người, chiếm 91,38%, tăng so với giai đoạn trước. Số nạn nhân được phát hiện, được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp là 934/965 người, chiếm tỷ lệ 96,79%. Số người có hành vi gây bạo lực gia đình được phát hiện, nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự và được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình là 838/965, chiếm tỷ lệ 86,84%.
Nhằm nỗ lực ngăn chặn bạo lực giới, hằng năm tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; tập trung thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg phòng chống bạo lực gia đình, các chương trình, đề án về thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Lồng ghép nội dung về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình là một trong những tiêu chí chính để đánh giá xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa; tiêu chí nông thôn mới; bộ quy tắc ứng xử trong gia đình; quy ước, hương ước ở thôn, bản, khu phố.
Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức rộng khắp trong Tháng Phòng chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam, với hình thức đa dạng, phong phú, như: Hội thảo “Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình”; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; biểu dương “Gia đình CNVC-LĐ tiêu biểu xuất sắc”; tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản truyền thông về quyền của phụ nữ và phòng chống bạo lực giới…
Các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều mô hình bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đến tận các thôn, bản, khu phố; tuyên truyền, nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về phòng tránh bạo lực và các tệ nạn xã hội thu hút sự tham gia tích cực của người dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 742 địa chỉ tin cậy, 468 cơ sở tư vấn, 28 cơ sở bảo trợ xã hội, 118 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Do đó, nạn nhân bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh được ngăn chặn, phát hiện, tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Các đối tượng gây bạo lực đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Giai đoạn 2016-2020, các đơn vị chức năng của tỉnh đã xử lý hình sự 123 đối tượng, xử lý hành chính 23 đối tượng; không xử lý 1 đối tượng do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 1 đối tượng đang điều tra. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của các mô hình được triển khai hằng năm. Đến nay đã tiến hành kiểm tra, giám sát 249 lượt tại các mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm khởi sự và phát triển doanh nghiệp; mô hình phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ bình đẳng giới.
Mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng trên thực tế, việc đẩy lùi bạo lực giới vẫn còn những khó khăn bởi bất bình đẳng giới giữa nam - nữ vẫn còn. Đặc biệt là việc trọng nam khinh nữ, một bộ phận gia đình còn tư tưởng phải sinh con trai để nối dõi tông đường; nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đang chịu áp lực về khuôn mẫu, định kiến. Để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực giới một cách quyết liệt hơn nữa, thiết nghĩ cần phải có nhiều giải pháp tuyên truyền hơn nữa, nhất là đối với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế trong xã hội và cần nhất là sự chung tay lên tiếng chính từ nam giới.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()