Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 20:42 (GMT +7)
Nỗ lực nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Thứ 2, 15/04/2024 | 14:01:54 [GMT +7] A A
Năm 2023, với tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đạt trên 3,24 tỷ USD, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn đậm nét khi vươn lên đứng vị trí thứ 3 về thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để thực hiện thành công mục tiêu này, tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm.
Quí I năm 2024, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, việc tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng về hình thức và quy mô; chủ động đổi mới trong xúc tiến đầu tư thông qua việc tiếp cận trực tiếp một số nhà đầu tư FDI lớn; tập trung vào các thị trường trọng tâm, trọng điểm, góp phần thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm hiểu, đăng ký đầu tư tại Quảng Ninh có xu hướng tăng.
Tính đến ngày 30/3/2024, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên địa bàn tỉnh đạt 851,34 triệu USD, đạt 170% kế hoạch thu hút FDI được đề ra trong quý I, đạt 28,3% kế hoạch năm. Số dự án FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 632,73 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 03 dự án với số vốn tăng thêm 51,18 triệu USD.
Vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh chủ yếu từ các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc trong đó Hồng Kông dẫn đầu với 465,71 triệu USD, chiếm 68,1% tổng vốn FDI thu hút; tiếp theo là Trung Quốc với 96 triệu USD, chiếm 14,1%; Nhật Bản là 57 triệu USD, chiếm 8,3% ; Đài Loan (Trung Quốc) là 50 triệu USD, chiếm 7,3%; Singapore 12,5 triệu USD, chiếm 1,8%; Hàn Quốc 2,7 triệu USD, chiếm 0,4%.
Các đầu tư mới đều là các dự án FDI thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quy mô đầu tư lớn, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 12/13 dự án cấp mới và 03 dự án điều chỉnh tăng vốn, trong đó có 01 dự án quy mô vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Ngoài ra, có 01 dự án đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn đều được thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế tại Quảng Yên, Hải Hà, cụ thể là KCN Bắc Tiền Phong (08 dự án), KCN Texhong - Hải Hà (03 dự án), KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai.
Hiện nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang tiếp nhận, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện, bổ sung 10 hồ sơ dự án đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến đạt 168,73 triệu USD, chiếm 4,82 % kế hoạch năm. Vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh chủ yếu từ các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc , Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại địa bàn các KCN Đông Mai, Việt Hưng, Sông Khoai, Cụm công nghiệp Phương Nam, Uông Bí.
Dự kiến đến hết tháng 4, sau khi các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo theo quy định pháp luật, cơ quan đầu tư thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng số thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 852,64 triệu USD.
Để hoàn thành mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm nay, tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy đầu tháng 4 vừa qua, Thường trực Tỉnh uỷ cũng đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược, giải quyết tốt vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp, cấp điện, nước, đảm bảo viễn thông cho các khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Cùng với đó, hoàn thiện quy hoạch các phân khu ở các địa phương; bổ sung quy hoạch các điểm mỏ khai thác đất phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng; xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực để phục vụ cho các dự án, lĩnh vực đầu tư mới; chủ động đón bắt xu thế chuyển đổi năng lượng, thị trường chip bán dẫn toàn cầu, xu thể chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao để xác định định hướng thu hút đầu tư phù hợp. Bên cạnh việc tăng cường thu hút đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, cần tập trung thu hút các dự án trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế, nhất là ở những địa bàn còn dư địa phát triển; thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực nuôi biển bền vững, công nghệ cao.
Việc hoàn thành mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2024 không chỉ tạo tiền đề cho việc thu hút đầu tư trong năm 2025 cũng như những năm tiếp theo mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2025 – 2030 cũng như phát triển dài hạn mang tầm chiến lược.
Ngọc Khôi
- "May đo" chính sách thu hút FDI
- Doanh nghiệp FDI xuất siêu trên 12,3 tỷ USD trong quý I/2024
- UBND tỉnh cho ý kiến về tình hình, kết quả và các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư FDI
- Vốn FDI vào Việt Nam giữ xu hướng gia tăng
- Doanh nghiệp FDI tiên phong trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh
- Việt Nam sẵn sàng điều kiện thu hút FDI chất lượng cao
Liên kết website
Ý kiến ()