Tất cả chuyên mục

Những năm qua, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm, tỉnh đã dành nguồn lực thoả đáng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đưa cán bộ, giáo viên, bác sĩ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng. Trường Đại học Hạ Long đã được thành lập và đi vào tuyển sinh trong năm 2015. Các trung tâm đào tạo nghề tại Đông Triều, Hoành Bồ, Vân Đồn... được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng... Công tác liên kết, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước tổ chức đào tạo tại tỉnh.
![]() |
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, tặng hoa chúc mừng và trao chứng chỉ cho các học viên lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn cấp tỉnh khoá II (tháng 9/2015).Ảnh: Nguyễn Huế |
Đặc biệt, năm 2015 Quảng Ninh đã lựa chọn chủ đề năm của tỉnh là: “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng thương hiệu, tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh”. Thực hiện nội dung về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, UBND tỉnh đã đồng thời ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 14-2-2015 và Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 13-3-2015 về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; tăng cường công tác quản lý cán bộ công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng. Trong năm vừa qua, tỉnh cũng tập trung thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh năm 2015. Tính đến nay, tổng kinh phí chi cho các lớp đào tạo bồi dưỡng và đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo trong năm 2015 là 200 tỷ đồng. Trong đó kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng là 149,668 tỷ đồng (gồm kinh phí dành cho 21 lớp đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài là 139,500 tỷ đồng; kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng trong nước là 10,068 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phí này, đã có 2.703 cán bộ cấp xã trở lên và 300 cán bộ cấp thôn được đào tạo, bồi dưỡng trong nước. Cùng với đó, trong năm cũng có 145 cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Các lớp đào tạo được tổ chức phong phú, đa dạng, bổ sung kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh như: đào tạo lý luận chính trị (cao cấp LLCT, cử nhân chính trị, trung cấp LLCT-HC); đào tạo chuyên môn (đại học, sau đại học). Tương tự như thế, các lớp bồi dưỡng cũng được tổ chức phong phú, cung cấp nhiều kiến thức quan trọng, góp phần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ như: Bồi dưỡng cán bộ nguồn, bồi dưỡng quản lý nhà nước, bồi dưỡng ngoại ngữ, bồi dưỡng tin học, bồi dưỡng tiếng Dao Thanh Phán…
Cùng với đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và công tác quản lý, thi đua khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đi vào nền nếp. Công tác quản lý cán bộ đã có nhiều đổi mới, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều chuyển biến tích cực được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá, ghi nhận. Đồng thời, để tăng cường kỷ luật, kỳ cương, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá công sở của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Các đơn vị, địa phương cũng đã tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, các quy chế hoạt động… để kịp thời khắc phục những chồng chéo; sắp xếp, bố trí, phân công rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính thống nhất, thứ bậc hành chính. Trình tự, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các địa phương, đơn vị đều đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định hiện hành của Trung ương và của tỉnh, gắn trách nhiệm cá nhân công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Trong năm 2015, các địa phương, đơn vị cũng đã thực hiện tốt quy định về văn hoá, văn minh công sở tại trụ sở làm việc (về trang phục, thẻ làm việc, giao tiếp ứng xử, bài trí trụ sở, phòng làm việc…) nhất là bộ phận thường xuyên giao tiếp giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tính đến nay, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh tăng gấp 2,33 lần so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (năm 2010 là 48%); trong đó đào tạo nghề tăng từ 38% lên 49,5%; sinh viên các hệ đào tạo đạt 293/vạn dân (năm 2010 là 222/vạn dân). Việc quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động xã hội của tỉnh, trung bình cả giai đoạn tăng 12,4%, trong đó lao động trong lĩnh vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 17,1%/năm. Đặc biệt, với việc thực hiện tốt chủ đề năm 2015 “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”, Quảng Ninh đã tiến một bước mới trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ; từng bước xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ công chức, viên chức và hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Hà Chi
Ý kiến ()