Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:28 (GMT +7)
Nỗ lực kìm giá phân bón
Thứ 4, 11/05/2022 | 23:10:42 [GMT +7] A A
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá phân bón tăng cao chưa từng có trong 50 năm qua đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Tại các tỉnh ĐBSCL tháng 4 vừa qua, giá các loại phân bón đều tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg. Đây là đợt tăng thứ 4 liên tiếp. Giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc hiện đã lên tới 1,3 triệu đồng/bao, phân DAP nội địa là 1,1 triệu đồng/bao, phân kali 975.000 đồng/bao, phân urê 910.000 đồng/bao...
Gián đoạn nguồn nhập khẩu
Theo cơ quan này, hiện tại các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, urê, NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất DAP chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Cân đối lượng phân bón xuất, nhập khẩu thì hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu thêm từ 2,7 - 3,5 triệu tấn phân bón vô cơ, trong đó chủ yếu là phân kali (khoảng 1,1 - 1,2 triệu tấn) và phân SA (khoảng 1 - 1,5 triệu tấn).
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết việc gián đoạn nguồn nhập khẩu phân bón từ Nga dẫn tới giá bán phân bón trong nước liên tục tăng. "Hiện Nga là nhà cung cấp phân bón lớn chiếm tỉ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 130.000 - 380.000 tấn phân bón, chiếm khoảng 3%-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu" - ông Trung thông tin.
Trong công văn gửi Bộ Tài chính về tình hình sử dụng phân bón năm 2021 và dự báo nhu cầu sử dụng phân bón trong nước năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Quốc Doanh cho hay từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng, diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài.
Theo ông Doanh, trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt, đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này. "Việc giá phân bón tăng cao làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thông tin.
Do đó, tại công văn này, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay. Đồng thời nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để bảo đảm nguồn cung trong nước.
Tăng thuế và kiểm soát giá
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết bộ đang lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong dự thảo nghị định có đề cập nội dung tăng thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành. Đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính đề xuất giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% như hiện hành.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này dự báo giá hàng hóa, nguyên - nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, cùng với xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất phân bón.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết cần đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu nhưng vẫn bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, để góp phần ổn định thị trường, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Chủ yếu xuất sang Campuchia
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), hiện tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,21 triệu tấn/năm, phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm. Các nhà máy sản xuất phân bón hoạt động thuận lợi theo công suất thiết kế là có thể đáp ứng nhu cầu phân đạm và phân lân trong nước. Đối với phân kali, nước ta không có mỏ muối kali nên bắt buộc phải dựa vào nguồn cung từ nhập khẩu. Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 4,54 triệu tấn phân bón, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón và Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất của Việt Nam.
Theo Người lao động
Liên kết website
Ý kiến ()