Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:54 (GMT +7)
Nỗ lực, khẩn trương giải tỏa nông sản ùn ứ tại cửa khẩu
Thứ 5, 13/01/2022 | 08:16:28 [GMT +7] A A
Những doanh nghiệp, chủ hàng có nông sản xuất bán sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái đã thực sự vui mừng khi từ ngày 10/1/2022, hoạt động thông quan hàng hóa đã được khôi phục trở lại. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng phía Việt Nam, trong đó có chính quyền TP Móng Cái (Quảng Ninh) trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành với các doanh nghiệp, chủ hàng khi tích cực thực hiện các biện pháp ngoại giao, hội đàm, trao đổi với phía TP Đông Hưng (Trung Quốc) để thống nhất các phương án phù hợp, thiết lập vùng xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và thông quan hàng hóa trở lại qua cửa khẩu được thuận lợi.
Trước đó, do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giảm hạn mức thông quan đối với mặt hàng nông sản, đặc biệt là từ cuối tháng 12/2021 phía bạn tạm dừng thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái nên dẫn đến việc hơn 1.000 xe container hàng hóa, trong đó chủ yếu là hàng nông sản bị ùn ứ tại khu vực cửa khẩu, không thể xuất bán được sang Trung Quốc. Hệ lụy là nhiều phương tiện, lái phụ xe chở hàng phải ăn trực nằm chờ nhiều ngày ở khu vực cửa khẩu, gây quá tải cho các bãi đỗ đậu xe, kho chứa hàng, phát sinh nhiều chi phí cho chủ hàng. Đáng nói hơn là nhiều mặt hàng tươi sống, hoa quả đã bị hư hỏng do không xuất bán ngay được, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Nhiều chủ hàng, phương tiện do không thể chờ đợi lâu được đã cho xe quay đầu, bán tháo hàng để vớt vát lại chút vốn...
Sẻ chia với những khó khăn của chủ hàng, doanh nghiệp, chính quyền TP Móng Cái và các đơn vị trong khối cửa khẩu trên địa bàn đã khẩn cấp tìm mọi cách để hỗ trợ giảm chi phí, thiệt hại, đồng hành với doanh nghiệp trong khắc phục khó khăn khi hàng hóa bị ùn ứ, không thông quan ngay được. Cụ thể là vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn giảm các chi phí bảo quản hàng hóa, lưu kho bãi, xử lý hàng hóa bị hư hỏng...
Với nhiều nỗ lực, cố gắng, linh hoạt trong thực hiện các giải pháp của TP Móng Cái và các ngành chức năng, sau gần 20 ngày tạm dừng thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn, từ ngày 10/1/2022 hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Móng Cái đã được thông quan trở lại. Để đảm bảo cho hoạt động thông quan diễn ra nhanh chóng, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày thông quan trở lại một số mặt hàng đã được giải phóng, trong đó ưu tiên các mặt hàng nông sản, thủy sản cấp đông. Phía Móng Cái (Việt Nam) và phía Đông Hưng (Trung Quốc) thống nhất đồng bộ các phương án phòng, chống dịch, thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với toàn bộ người trong khu vực cửa khẩu và đổi lái xe ngay tại khu vực trung chuyển hàng hóa, không để người của mỗi bên di chuyển vào nội địa.
Cùng với đó, TP Móng Cái thành lập các tổ liên ngành để sắp xếp, điều hành phương tiện vào khu vực cửa khẩu đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, có sự giám sát của doanh nghiệp. Thành phố cũng đang khẩn trương lắp đặt hệ thống sấy tự động hoa quả công nghệ hiện đại để phục vụ lâu dài cho việc xuất khẩu nông sản sấy. Với những mặt hàng bị hư hỏng, thành phố sẽ hỗ trợ hoàn toàn kinh phí để tiêu hủy, đảm bảo vệ sinh môi trường...
Với những nỗ lực của TP Móng Cái và các lực lượng chức năng, nên ngay trong ngày đầu tiên thông quan trở lại đã có nhiều xe hàng nông sản tươi sống được xuất qua cửa khẩu và hàng chục xe chở hàng tạp cũng được nhập khẩu vào nội địa. Mặc dù trong những ngày đầu khôi phục thông quan trở lại lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở chưa nhiều, do phía Trung Quốc kiểm dịch chặt chẽ, kỹ lưỡng hàng hóa để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này cũng đã tạo sự phấn khởi, hy vọng cho các chủ hàng, doanh nghiệp khi hàng hóa không còn bị ùn ứ lâu ngày tại khu vực cửa khẩu như thời gian trước đó...
Tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông sản tươi sống, hoa quả ở các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong những năm qua, do nhiều lý do. Tuy nhiên, với lần này (xảy ra vào cuối tháng 12 vừa qua) có lẽ là lớn nhất, khó khăn nhất. Do vậy, từ thực tế những ngày qua và sự lặp lại của tình trạng này trong nhiều năm, đòi hỏi các cơ quan chức năng của Việt Nam và chính quyền các địa phương có cửa khẩu, lối mở thông thương với Trung Quốc cần phối hợp, trao đổi với phía bạn để đưa ra các biện pháp căn cơ, tổng thể, hữu hiệu hơn trong việc đảm bảo thông quan hàng hóa thông suốt, đặc biệt là nông sản qua các cửa khẩu, lối mở.
Trước hết là cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, dựa trên các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã được ký kết với các quốc gia, khu vực, để không quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Bên cạnh đó là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch vốn có nhiều rủi ro. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư hạ tầng logistics ở các cửa khẩu, lối mở như kho trữ lạnh, cơ sở chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu để có thể chủ động trong việc xuất khẩu hàng hóa. Và một điều quan trọng nữa là cần cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin thị trường, những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định thông quan hàng hóa, mùa vụ thu hoạch những nông sản của nước nhập khẩu có thể sản xuất được. Có như vậy mới chủ động được việc sản xuất trong nước cũng như đưa hàng hóa ra cửa khẩu để xuất khẩu, tránh được những rủi ro, khó khăn khi phía đối tác nhập khẩu có những thay đổi về cơ chế, chính sách...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()