Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:01 (GMT +7)
Nỗ lực giúp học sinh đến trường
Thứ 2, 22/08/2022 | 15:31:44 [GMT +7] A A
Cứ dịp đầu năm học, các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBTTH&THCS) Đồn Đạc II lại rất bận rộn để làm sao cho các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Những ngày chưa chính thức bước vào năm học mới, nhưng công việc của các thầy cô giáo Trường PTDTBTTH&THCS Đồn Đạc II cũng đã rất bận rộn. Giá không được giới thiệu từ trước thì tôi rất khó có thể hình dung đây là những thầy cô giáo hàng ngày với công việc đứng trên bục giảng, vì tôi thấy họ làm việc chẳng khác gì các lao động tự do. Thầy Hoàng Văn Pẩu khệ nệ khênh chiếc giường của học sinh bán trú, dùng chổi quét qua lớp bụi bẩn, rồi anh dùng giấy ráp đánh sạch lớp hoen gỉ ở thành giường, rồi sơn lại. Phía khác là các cô giáo đang lau nhà.
Thầy Pẩu cười bảo: Chúng tôi trước khi đón học sinh, ai cũng đều “bách nghệ” cả, nào là sơn tường, sơn cửa, sơn giường, sửa chữa bàn ghế hỏng. Vậy là công việc thợ mộc, thợ sơn, thợ nề đủ cả đấy. Chỉ mong sao các em đến trường có chỗ ở sạch đẹp sau giờ học trên lớp, để vui vẻ những ngày ở lại trường.
Sở dĩ trường có tên là PTDTBTTH&THCS Đồn Đạc II, vì xã Đồn Đạc rất rộng cần có 2 khối TH và THCS. Trường PTDTBTTH&THCS Đồn Đạc II tiếp nhận số học sinh của 6/14 thôn bản của xã Đồn Đạc. Trường nằm cách xa trung tâm xã Đồn Đạc hơn 10km, tuy thế vẫn có nhiều học sinh học rất xa nhà, như các thôn Khe Vang, Nà Bắp, Làng Cổng, Nà Làng cách trường cũng khoảng 5-9km.
Để giảm bớt việc đi lại của học sinh và các bậc phụ huynh khi phải đưa con em họ đến trường, từ năm 2014, nhà trường đã đưa vào sử dụng khu nội trú cho học sinh ở xa đi lại khó khăn từ nguồn kinh phí của nhà nước. Nhà trường đã có 17 phòng ở cho học sinh (14 phòng cho học sinh THCS, 3 phòng khối TH) trong phòng có đầy đủ điện thắp sáng, quạt, khu tắm giặt, vệ sinh khép kín. Cùng với đó, học sinh nội trú được mượn chăn, gối, chiếu màn, xem ti vi, chơi thể thao, sinh hoạt theo thời gian biểu của nhà trường từ thứ hai tới thứ sáu... đã giúp các em nhiều thuận lợi cho việc đi lại học tập. Năm học 2022-2023, nhà trường có 429 học sinh thì trong đó có 262 em học nội trú.
Tuy nhiên, thi thoảng các em học sinh khối THCS khi có dịp trở về nhà là có vài em không trở lại trường. Trong một học kỳ, các giáo viên nhà trường thường phải 5-6 lần đi vào các thôn vận động học sinh trở lại trường.
Thầy Hoàng Văn Sằn, là Hiệu trưởng của nhà trường, vẫn thường phải đi cùng các giáo viên vận động các em đến trường. Xa nhất là thôn Khe Vang nằm cách xa trung tâm xã Đồn Đạc khoảng 22km và cách trường 9km. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn đã có đường bê tông, nhưng do người dân sống rải rác, nhiều gia đình sống trên đồi và cách xa trung tâm thôn vài km. Đường đến nhà họ thường là những lối mòn, cây lá rậm rạp, thậm chí đường về nhà vẫn phải lội qua suối chỉ phù hợp với đi bộ. Vậy là mỗi chuyến đi vận động các em đến trường, các thầy phải đi xe máy gần chục cây số, gửi xe ở thôn rồi cuốc bộ đến nhà các em.
Tuy vất vả để tìm được ngôi nhà các em đang ở, nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, do gia đình nhiều em đã không đồng hành với nhà trường trong việc giúp các em học tập tốt hơn. Có gia đình khi các thầy giáo đến thấy cảnh ông bố say rượu, phát ngôn không đúng mực, các thầy phải nhờ cả trưởng thôn, công an thôn cùng đến vận động. Do vậy, hàng năm nhà trường phải có văn bản kêu gọi các ban ngành của xã Đồn Đạc cùng vào cuộc trong việc vận động học sinh đến trường.
Một khó khăn nữa đến với nhà trường, do từ năm 2020, xã Đồn Đạc đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú không được hỗ trợ gạo. Các gia đình học sinh cũng không được hỗ trợ nhiều khoản của nhà nước như trước đây nữa, nên nhiều gia đình rất khó khăn. Do vậy, hàng năm nhà trường đứng ra kêu gọi xã hội hóa và cũng đã có rất nhiều nhà hảo tâm vào cuộc hỗ trợ tặng quần áo gạo cho các em học sinh. Từ đó bớt phần nào đi chi phí cho nhiều gia đình và nhà trường, giúp các em và thầy cô yên tâm bám trường, bám lớp.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()