Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:31 (GMT +7)
Nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng
Thứ 6, 22/04/2022 | 07:56:18 [GMT +7] A A
Với tinh thần chủ động, quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, trong quý đầu tiên, Quảng Ninh vẫn giữ vững địa bàn “vùng xanh an toàn”, KT-XH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trên đà những kết quả đạt được, bước sang quý II, toàn tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp để giữ vững đà tăng trưởng, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch của cả năm.
Theo số liệu thống kê, quý I tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 8,02%, thấp hơn 1,24 điểm % so với cùng kỳ và thấp hơn 1,69 điểm % so với kịch bản, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung cả nước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng 3,05%, đạt chỉ tiêu kịch bản đề ra; thuế sản phẩm tăng 6,20%, cao hơn 2,21 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn 0,52 điểm % so với chỉ tiêu; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,27% (cùng kỳ tăng trưởng âm 1,77%), đạt kịch bản tăng trưởng…
Đặc biệt, khu vực dịch vụ - du lịch có nhiều tín hiệu tích cực, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong quy mô nền kinh tế, tăng 11,17%, cao hơn 1,01 điểm % so với cùng kỳ và cao hơn 0,54 điểm % so với kịch bản. Những tháng đầu năm, nhờ tác động tích cực của các chính sách khôi phục lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, du lịch Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Nhiều địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm khép kín ở các khu tách biệt, an toàn, khu du lịch tâm linh… đã thu hút khách du lịch. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt, tăng 55,6% so với cùng kỳ, đạt 130,4% so với kịch bản; tổng doanh thu du lịch đạt 3.220 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ, đạt 100% kịch bản. Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 với mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách đã cho thấy hiệu quả tích cực bước đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, tốc độ tăng trưởng của tỉnh vẫn chưa đạt được kỳ vọng do khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong quy mô nền kinh tế của tỉnh chỉ đạt mức tăng trưởng 7,12%, thấp hơn 3,37 điểm % so với cùng kỳ và thấp hơn 3,5 điểm % so với kịch bản. Riêng ngành chế biến chế tạo ước chỉ tăng được 7,45%, thấp hơn 18,2 điểm % so với kịch bản tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 11,4% trong GRDP, đóng góp 0,95 điểm % trong tăng trưởng GRDP. Điều này đã phần nào kéo tốc độ tăng trưởng chung của toàn tỉnh trong quý I thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng đề ra.
Lý giải về vấn đề trên, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Do khó khăn về thị trường tiêu thụ nội địa, đứt gãy chuỗi cung ứng, các hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và xuất hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp thiếu hụt lao động và đơn hàng ký kết mới chưa nhiều... hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng. Theo số liệu báo cáo nhanh, 5/10 sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu của tỉnh không đạt kịch bản đề ra, gồm dầu thực vật ước đạt 53.000 tấn (67,9%); bột mỳ ước đạt 102.000 tấn (94,4%); loa, tai nghe ước đạt 1,1 triệu bộ (73,3%); vải dệt từ sợi tổng hợp ước đạt 350.000 m2 (77,8%); sợi bông cotton ước đạt 63.000 tấn (92,6%). Ngoài ra, mới có 2/6 dự án dự kiến bổ sung năng lực tăng thêm cho ngành chế biến, chế tạo đi vào hoạt động trong quý I, nên sản lượng đạt thấp.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và những vấn đề khó khăn trong nước vẫn có thể tiếp tục diễn biến khó lường. Vì vậy, vấn đề chậm phục hồi, mất đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh có thể xảy ra nếu không có những giải pháp khả thi, quyết liệt. Trước tình hình đó, hiện các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị và nhân dân đang hết sức nỗ lực, quyết tâm trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2022 đã đề ra.
Trong đó, trước mắt để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,25%, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp để phục hồi khu vực công nghiệp - xây dựng. Các sở, ngành đã và đang chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của ngành Than để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tạo điều kiện cho ngành Than ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo sản lượng than quý II đạt 13,1 triệu tấn và sản lượng điện đạt 12 tỷ Kwh. Hiện tỉnh cũng đang lên kế hoạch tổ chức làm việc với các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng năng suất, sản lượng; đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm từ 2 dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động trong quý I và 4 dự án dự kiến đi vào hoạt động trong quý II để làm động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến, chế tạo.
Cùng với đó, bắt nhịp trong tiến trình chuyển đổi số, các sở, ngành chức năng cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai tập huấn ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tham gia các hoạt động thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế qua kênh thương mại số. Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động XNK; triển khai các hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh tới các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp thông qua các tham thán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()