Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Nỗ lực giảm dịch hại trên cây trồng
Thứ 6, 11/02/2022 | 15:36:02 [GMT +7] A A
Điều kiện thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để các loài sinh vật gây hại phát triển. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chuyên môn và người dân, các đợt dịch hại nhanh chóng được khống chế, khắc phục kịp thời, đảm bảo tiến độ sản xuất, năng suất theo kế hoạch.
Theo đánh giá từ ngành nông nghiệp tỉnh, trong năm 2021, các đối tượng gây hại trên cây trồng phát sinh tương đương cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mật độ, tỷ lệ hại và diện tích đã giảm sâu. Trong đó, tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa giảm rõ rệt. Cụ thể, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên cây lúa khoảng 5.700ha, giảm gần 5.400ha so với năm 2020; tổng diện tích phòng trừ các đối tượng đạt trên 21.700ha, đặc biệt diện tích sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột giảm đáng kể nhất. Đối với các cây trồng khác, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại là 263ha, giảm 233ha so với năm 2020.
Để chủ động trong công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cùng các địa phương đã xây dựng phương án bảo vệ thực vật ngay từ đầu vụ; thông báo xử lý vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch nhằm ngăn ngừa dịch hại chuyển vụ, chủ động phòng trừ sinh vật hại cây trồng kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt trong vụ đông vừa qua, Chi cục đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối hợp với trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác điều tra định kỳ 7 ngày/lần, theo dõi, giám sát và phát hiện sớm sâu, bệnh hại trên đồng ruộng. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp; dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc và thuốc ít độc hại; phổ biến rộng rãi những dự báo về thời gian phát sinh, diện phân bố và mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại, đưa ra một số biện pháp canh tác, xử lý, kịp thời thông báo cho người dân phòng trừ hiệu quả. Cùng với đó, do hiệu quả của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp được triển khai đồng loạt tại một số địa phương (6.366ha được áp dụng) đã góp phần giảm đáng kể diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên các cây trồng.
Cùng với các giải pháp trên, để giảm dịch hại trên cây trồng, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới cũng được tuyên truyền, khuyến cáo nông dân áp dụng vào sản xuất; việc dự trữ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để hỗ trợ thiên tai và dịch hại được đảm bảo. Bên cạnh việc chăm sóc, ngành Nông nghiệp đã tập trung cải tạo cơ cấu giống, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, năm 2021, diện tích gieo cấy toàn tỉnh ước đạt 38.400ha, năng suất lúa ước đạt 52,3 tạ/ha (tăng 0,7 tạ/ha so với năm 2020), sản lượng ước đạt 201.100 tấn; diện tích trồng rau các loại ước đạt 11.400ha, năng suất ước đạt 168,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt 193.200 tấn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giảm dịch hại trên cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Đó là yếu tố bất lợi từ thời tiết, công tác điều tra chỉ đạo phòng trừ trên cây lâm nghiệp còn hạn chế do địa hình đi lại khó khăn và thiếu kinh phí, trang thiết bị phục vụ. Công tác thanh kiểm tra ngăn chặn việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam còn bất cập, nhất là, tại một số chợ gần biên giới, chợ phiên ở khu vực miền Đông do việc buôn bán thường diễn ra vào buổi sáng sớm hoặc ngày nghỉ.
Theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Năm 2022, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng cả năm là 64.224ha, trong đó diện tích lúa là 38.523ha, diện tích cây rau, hoa, màu là 25.701ha; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 226.250 tấn. Để đảm bảo việc gieo trồng đạt hiệu quả, từng bước khắc phục những bất cập, Chi cục sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung tuyên truyền, tiếp tục hướng dẫn người dân phòng chống dịch hại sát sao hơn nữa. Cùng với đó là bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất (thời vụ gieo trồng, cơ cấu và diện tích cây trồng), đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết; chủ động kiểm soát, phòng chống dịch hại có hiệu quả, kiểm soát mức độ gây ảnh hưởng của các đối tượng sinh vật gây hại dưới 5%. Đồng thời, chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống phù hợp theo hướng tăng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quan tâm hơn đến công tác điều tra, quản lý dịch hại trên cây lâm nghiệp; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân địa phương.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()