Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:15 (GMT +7)
Nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Thứ 5, 05/10/2023 | 08:23:14 [GMT +7] A A
Trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới vốn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức do những tác động từ các yếu tố bên ngoài (xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, nhiều quốc gia trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng chậm lại...).
Trong bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đã chịu tác động mạnh từ nhiều lĩnh vực như: Xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tỷ giá, lãi suất... Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023 do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ theo lĩnh vực phụ trách. Định kỳ, hằng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp để nghe doanh nghiệp phản ánh khó khăn, trực tiếp chỉ đạo ngành, địa phương có giải pháp để khắc phục. 9 tháng năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức một Hội nghị doanh nghiệp cấp tỉnh, 15 Hội nghị doanh nghiệp cấp sở, ngành và địa phương, 10 buổi Cà phê doanh nhân.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giữ ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững ngành Than theo quy hoạch; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành để tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho ngành than về thủ tục cấp phép khai thác, gia hạn giấy phép cho một số đơn vị (mỏ than Cao Sơn, mỏ Khe Chàm II, mỏ Núi Béo, mỏ Tây Lộ Trí, mỏ Bình Minh, mỏ Quảng La...). Tỉnh và các địa phương đều sâu sát, nhanh chóng nắm bắt thông tin, hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế sớm đi vào hoạt động; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện tối đa để ngành điện, xi măng, ngành điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa; nhất là về đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, thuế, hải quan; khó khăn, thiếu hụt về nguồn đất đắp.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã tổng hợp và có Văn bản số 2224/UBND-PC ngày 16/8/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trung ương về đề xuất sửa đổi, bổ sung và những vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư với 48 nội dung thuộc các lĩnh vực: Tài chính, ngân sách, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, công thương, văn hóa, giáo dục đào tạo. Qua đó nhằm tiếp tục tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ; thanh tra, kiểm tra công vụ. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, không dám tham mưu, không dám đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết và xử lý triệt để các kiến nghị, phản ánh của tổ chức, công dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời về rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sở, ngành liên quan đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, phân phối và kinh doanh xăng dầu để trao đổi các thông tin về tình hình dự trữ, cung ứng, tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đảm bảo việc bán hàng không bị gián đoạn, ưu tiên xăng dầu cho các doanh nghiệp sản xuất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu; tích cực trong công tác tuyên truyền, thông tin về đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Ngày 26/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số năm 2023 với tổng kinh phí dự kiến trong kế hoạch là 13,7 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 7,9 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa và đóng góp của doanh nghiệp là 5,8 tỷ đồng).
Để thực hiện thành công các kịch bản tăng trưởng năm 2023, Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()