Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:23 (GMT +7)
Khát vọng đổi mới, cải cách
Thứ 5, 21/07/2022 | 08:12:40 [GMT +7] A A
Ngày 20/7, Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh năm 2021. Tại hội nghị, nhiều phân tích chuyên sâu đã đánh giá một cách khách quan về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nhìn nhận khách quan, tháo gỡ tồn tại
Năm 2021, chỉ số PAR Index tỉnh Quảng Ninh đạt tổng số 91,14/100 điểm, tăng 0,1 điểm so với năm 2020 và thấp hơn địa phương xếp thứ nhất là TP Hải Phòng 0,66 điểm. Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2021 điểm chỉ số PAR Index của tỉnh có 1/8 lĩnh vực giữ vững thứ hạng, 2/8 lĩnh vực tăng thứ hạng và 5/8 lĩnh vực giảm thứ hạng so với năm 2020. Trong đó, lĩnh vực công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đạt 8,5/8,5 điểm (100%) đứng thứ 1/63 tỉnh, thành phố của cả nước, giữ nguyên thứ hạng trong bảng xếp hạng so với năm 2020; lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh đạt 8,9/10 điểm (89%) đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020; lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC đạt 11,46/13,5 điểm (84,89%), đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã nhìn lại chất lượng điều hành, phân tích tồn tại, nguyên nhân những chỉ tiêu giảm thứ hạng để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là trong vấn đề giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, đối với lĩnh vực cải cách TTHC, năm 2021 tỉnh đạt 13,47/13,5 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố, giảm 5 bậc so với năm 2020. Qua kết quả đánh giá ở lĩnh vực này cho thấy có 3 tiêu chí thành phần chưa đạt điểm tuyệt đối là hồ sơ TTHC do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tiếp nhận trong năm vẫn còn hồ sơ giải quyết quá hạn. Nguyên nhân do đa số hồ sơ TTHC quá hạn là ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, cấp phép đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư...
Để tháo gỡ tồn tại này, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị, địa phương có hồ sơ chậm, triển khai ngay các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả, tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC. Đồng thời, cần vận hành có hiệu quả mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công của các địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến tổ chức, cá nhân thực hiện truy cập nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia…
Đối với lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy, năm 2021 Quảng Ninh đạt 10,37/11,5 điểm, giảm 5 bậc so với năm 2020. Tại lĩnh vực này, có tiêu chí chưa đạt điểm tối đa là tiêu chí thông qua khảo sát CB,CC, lãnh đạo quản lý về tác động của cải cách đến tổ chức bộ máy hành chính. Nguyên nhân được phân tích do việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của tỉnh còn có sự chưa hợp lý, chưa thống nhất; việc thực hiện phân cấp quản lý đối với một số ngành, lĩnh vực giữa tỉnh và huyện chưa triệt để... Thời gian tới, tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng sâu sát, cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả.
Lĩnh vực cải cách tài chính công năm 2021, Quảng Ninh đạt 10,77/12 điểm (đạt 89,75%), xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, giảm 3 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2020. Theo đó, nguyên nhân do việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN trên địa bàn còn chậm; các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ còn chậm ban hành… Để giải quyết tồn tại này, tỉnh sẽ tập trung đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra; thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN…
Tổng điểm đạt được ở lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính năm 2021 của tỉnh là 13,06/15 điểm (87,06%), xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 24 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2020. Những tồn tại được nhận định là mặc dù tỉnh đã xây dựng, vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, nhưng chưa kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh dưới dạng điện tử mới đạt 98,2%; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp…
Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Triển khai kết nối liên thông, tích hợp giữa phần mềm giải quyết TTHC của tỉnh với phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành Trung ương và bổ sung hoàn thiện một số chức năng hỗ trợ tổ chức, người dân trong giao dịch trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, đảm bảo thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi khai thác, sử dụng, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý chung. Thực hiện có hiệu quả Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, chính quyền điện tử và chữ ký số.
Tại lĩnh vực tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh đạt 14,61/16 điểm, đạt 91,31%, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố, giảm 1 bậc so với năm 2020. Tồn tại của lĩnh vực này được nhìn nhận là do mức độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh năm 2021 chỉ tăng 4% so với năm 2020; kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt 9,41/10 điểm. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhằm thu hút đầu tư, tăng số lượng doanh nghiệp được thành lập. Mặt khác, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm giải ngân kịp thời theo kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm.
Cải cách liên tục, lâu dài
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược và phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Cụ thể hóa định hướng này, ngay từ đầu năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên, việc giữ vững vị trí nhóm đầu các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Qua đó, thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong tỉnh, một lời hứa, sự cam kết hành động rất mạnh mẽ, rất quyết liệt trước doanh nghiệp và nhân dân.
Việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của các đơn vị, sở, ngành, địa phương đã được sự quan tâm lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự vào cuộc giám sát của MTTQ, Ủy ban Kiểm tra, Cơ quan Nội chính Tỉnh ủy... Đặc biệt, việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đã được các cấp, ngành, địa phương thực hiện với nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả.
Thông qua việc tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS của tỉnh năm 2021, Quảng Ninh đã tự nhìn lại chất lượng điều hành của mình, phân tích những tồn tại, hạn chế, để đưa ra giải pháp mới, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là trong vấn đề giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đánh giá: Quảng Ninh đã có những bước đi hiệu quả trong công tác cải cách hành chính với nhiều giải pháp đột phá, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Nhiều mô hình cải cách của Quảng Ninh đã trở thành hình mẫu để các địa phương trong cả nước học hỏi. Có thể thấy, cải cách hành chính là biểu đồ để theo dõi hiệu quả hoạt động toàn diện bộ máy nhà nước. Đặc biệt, với vị trí chiến lược quan trọng của một cực tăng trưởng phía Bắc về kinh tế, an ninh, quốc phòng, Quảng Ninh cần tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa các chỉ tiêu về cải cách hành chính. Trong đó, tập trung cải cách thể chế; xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số, đặc biệt đầu tư về hạ tầng dữ liệu, đào tạo công dân số; vận hành bộ máy nhà nước bám sát theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phát triển toàn diện.
Về phương hướng nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Các chỉ số đã phản ánh khách quan kết quả hoạt động của các sở, ngành, địa phương. Thông qua đó, nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức, để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ công ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao sự hài lòng và đảm bảo lợi ích của người dân, tổ chức, góp phần nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, vai trò của đội ngũ CB,CC,VC, nhất là người đứng đầu trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp là rất quan trọng. Do đó, đội ngũ CB,CC,VC cần không ngừng nâng cao đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ; rèn luyện và thực hành phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm quyết liệt, đến cùng và có kết quả, hiệu quả đo lường được với tinh thần 5 thật (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật). Đồng thời, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo 6 dám (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung).
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()