Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:19 (GMT +7)
Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, khắc phục tình trạng thiếu thuốc
Thứ 3, 13/09/2022 | 10:31:54 [GMT +7] A A
Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ… Cuộc họp được truyền trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Thời gian này năm ngoái, chúng ta còn đang bận rộn với công tác phòng, chống dịch. Nhiều tổ chức quốc tế, nhà khoa học đánh giá việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Đến nay, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kinh tế phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng; nếu không có gì biến động lớn thì tăng trưởng kinh tế quý III sẽ cao hơn quý II; bảo đảm các cân đối lớn; thị trường lao động đang phục hồi; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm ổn định chính trị, làm tốt công tác đối ngoại; đời sống nhân dân được cải thiện".
Có được kết quả như vậy là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện. Các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chúng ta đã tiến hành chiến lược vaccine đúng đắn, trong đó có việc hình thành Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19, tiến hành Ngoại giao vaccine thành công, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay.
Qua thời gian chống dịch, chúng ta đã tổng kết được các trụ cột, công thức phòng, chống dịch. Vừa qua, chúng ta đã thực hiện tốt việc này, tuy nhiên, chúng ta còn lơ là, chủ quan trong việc tiêm vaccine khi dịch bệnh đã được kiểm soát, dẫn đến công tác này chưa đạt mục tiêu theo tinh thần của Ban Chỉ đạo, của chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta không thể quên được những ngày tháng khó khăn, mất mát vì đại dịch, vì không có vaccine.
Do đó, theo Thủ tướng, phiên họp này cần phải thảo luận kỹ vấn đề chậm tiêm vaccine; phải tuyên truyền, vận động, tạo ra phong trào để nhân dân hưởng ứng tiêm vaccine. Hơn nữa, thế giới đã chứng minh hiệu lực của vaccine suy giảm theo thời gian; phải tiêm các mũi vaccine theo quy định của Bộ Y tế dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khuyến cáo của WHO. Thủ tướng nêu rõ, nếu tỉnh nào để bùng phát dịch, nhiều người chết vì Covid-19 thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Thủ tướng cũng nêu rõ, hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…, do đó phiên họp này phải bàn. Bệnh viện không có thuốc trong khi nhân dân có nhu cầu khám chữa bệnh, không lẽ chúng ta khoanh tay ngồi chờ? Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế để tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề này như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu, đấu giá công khai để xử lý vấn đề này; nếu đấu thầu, mua sắm tập trung thuốc khó khăn thì có thể nghiên cứu phân cấp….
Thủ tướng cũng đề cập tình trạng một bộ phận bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc và yêu cầu cần sớm tìm hướng giải quyết; yêu cầu bàn việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, nhất là cho các cháu học sinh. Thủ tướng cũng đề nghị phiên họp cần tập trung thảo luận về những điểm yếu nhất trong công tác phòng, chống dịch để tìm giải pháp khắc phục.
* Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 11/9, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77% và tỷ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỷ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới 28%); tỷ lệ tiêm mũi 4 là 77%; tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8% (cơ bản hoàn thành tiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ), tiêm mũi 2 đạt 57,6%. Trong tháng 8, cả nước tiêm được khoảng 11 triệu liều vaccine, trung bình mỗi ngày tiêm được 360.000 liều (ngày thấp nhất tiêm được gần 100.000 liều, ngày cao nhất tiêm được hơn 800.000 liều), số liều tiêm giảm nhẹ so với tháng 7/2022 (khoảng 13,4 triệu liều/ tháng).
Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 253 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại cho các địa phương để triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng bao gồm 234,6 triệu liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên và 18,4 triệu liều vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong tháng 8/2022, đã cấp 1,93 triệu liều vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi và 1,76 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để tiêm chủng trong tháng 9/2022.
Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các đơn vị liên quan để hoàn thiện thủ tục tiếp nhận 1,2 triệu liều vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên do COVAX Facility viện trợ và 4,2 triệu liều vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên do Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF và 730.000 liều vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ASEAN và COVAX Facility.
Dự kiến trong tuần từ ngày 12-14/9/2022 sẽ tiếp nhận 3 triệu liều vaccine Pfizer trong tổng số 4,2 triệu liều vaccine do Australia cam kết viện trợ (1,5 triệu liều dự kiến tiếp nhận vào ngày 12/9 và 1,5 triệu liều dự kiến tiếp nhận ngày 14/9) và dự kiến ngày 21/9 sẽ tiếp nhận thêm 1,2 triệu liều của COVAX. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ cho các đơn vị, địa phương để bảo đảm việc triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ, đơn vị để tiếp nhận thêm vaccine cho các nhóm tuổi.
Bộ Y tế cũng đang tiếp tục triển khai các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị, thuốc. Theo đó, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Công điện 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; Ban hành các hướng dẫn về quản lý, quy định danh mục và cấp số lưu hành trang thiết bị y tế để khẩn trương xử lý, giải quyết việc cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế nhất là đối với các hồ sơ nộp trước ngày 1/1/2022; tập trung chỉ đạo, phối hợp các bộ, ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế và người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Trang thiết bị y tế và tập trung để bảo đảm nguồn cung đối với một số thuốc hiếm. Đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị về việc nghiêm túc thực hiện việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()