Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 08:57 (GMT +7)
Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội
Thứ 3, 25/01/2022 | 08:32:07 [GMT +7] A A
Trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh luôn chú trọng công tác an sinh xã hội, bằng cách triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, chăm lo người lao động, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn..., nhất là dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Mang Tết ấm cho mọi nhà
Những ngày này, các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đang tích cực vận động các nguồn lực để có thêm điều kiện chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tết năm nay hộ ông Đoàn Lương (xã Sông Khoai, TX Quảng Yên) rất phấn khởi khi được ở trong ngôi nhà mới. Ông Lương từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nhờ số tiền 40 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, sự hỗ trợ của người thân, chính quyền địa phương, gia đình ông Lương đã có được căn nhà mơ ước, thay cho căn nhà cũ xuống cấp trước đây. Ông Lương cho biết: "Đối với gia đình tôi, Tết năm nay là một cái Tết ấm áp nhất, không chỉ được ở trong ngôi nhà mới, mà còn cảm thấy thật sự ấm áp về nghĩa tình".
Tết năm nay có nhiều hộ nghèo, hộ chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn khác trong tỉnh chung niềm vui nhà mới. Khó có thể nói hết được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của các gia đình khi lần đầu tiên được đón Tết trong những ngôi nhà mới. Chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn của tỉnh đã trở thành việc làm thường xuyên, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng nhân ái đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Năm nào cũng vậy, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), các hoạt động vui xuân, đón Tết được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, thắm đậm tình nhân ái. Đồng chí Lương Thị Ngát, Trưởng Phòng Quản lý tư vấn của Trung tâm, cho biết: Đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, tâm thần không bình thường, nên khả năng tự chăm sóc bản thân gặp khó khăn. Trung tâm thường xuyên cải thiện món ăn, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng... Trung tâm đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho các đối tượng, kế hoạch trực Tết cụ thể, triển khai đến từng cán bộ, nhân viên. Đồng thời, chuẩn bị nguồn thực phẩm, lịch tổ chức các hoạt động đón Tết, vui xuân. Thực đơn ngày Tết được xây dựng chi tiết, bảo đảm cân đối dinh dưỡng, hương vị các món ăn theo phong tục của người Việt Nam.
Bà Phạm Thị Tới (phường Đại Yên, TP Hạ Long) đã ở Trung tâm được 7 năm. Mặc dù thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người thân, nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, bà luôn cảm nhận được không khí ấm áp, yêu thương và giá trị truyền thống ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Nhằm đảm bảo chăm lo Tết đầy đủ, kịp thời cho các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, từ cuối tháng 12, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể tham mưu cho tỉnh chăm lo, thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đảm bảo mọi đối tượng theo quy định đều được nhận quà Tết.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh bố trí nguồn kinh phí trên 133 tỷ đồng để trợ cấp, tặng quà Tết cho trên 243.920 đối tượng trên địa bàn; đồng thời tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng chính sách, người có công với kinh phí trên 4,8 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức và đoàn thể trên địa bàn cũng chủ động có kế hoạch chăm lo Tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Công tác xã hội hoá được đẩy mạnh theo hướng thu hút thêm nhiều nguồn lực là sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tập thể, các nhà hảo tâm cùng chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đảm bảo cho các đối tượng đều có Tết.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân
Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; 11 xã đảo, đời sống của người dân còn những khó khăn. Tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người dân khu vực này, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, nâng cao đời sống nhân dân. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND "Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; Nghị quyết số 50/NQ-HĐND (ngày 13/11/2021) "Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025".
Tổng vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 4.200 tỷ đồng, gồm ngân sách tỉnh, địa phương và huy động; trong đó, ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tập trung cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển sản xuất, thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm; năm 2022 toàn tỉnh không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Anh Chíu A Hai (thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: "Gia đình tôi được vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng 10ha quế. Nguồn vốn ưu đãi này chắc chắn sẽ giúp cho các gia đình dân tộc thiểu số như chúng tôi có nhà ở khang trang, cuộc sống đủ đầy".
Dịch Covid-19 kéo dài thời gian qua đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân. Việc chủ động xét nghiệm là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhanh chóng phát hiện các trường hợp mắc Covid-19, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, kiểm soát dịch hiệu quả. Nhằm giảm thiểu chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức, tại Kỳ họp thứ 6 ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 69/2021/NQ-HĐND 'Về ban hành giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước do tỉnh Quảng Ninh quản lý". Theo đó, giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 được xây dựng bao gồm chi phí lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện xét nghiệm và trả kết quả; chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm (là các bộ kít xét nghiệm).
Mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 được quy định như sau: Dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh 16.400 đồng; dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag miễn dịch tự động/bán tự động 38.500 đồng; dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR mẫu đơn 165.600 đồng, mẫu gộp từ 92.400-138.900 đồng. Hầu hết giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 được tỉnh xây dựng trên cơ sở điều chỉnh giảm tối đa các chi phí, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.
Anh Khúc Ngọc Chinh, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long, cho biết: Thời gian qua, Công ty duy trì xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR định kỳ cho 20% lao động để phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19 cách ly, điều trị, góp phần kiểm soát dịch bệnh. Giá dịch vụ xét nghiệm được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho đơn vị cân đối các chi phí công tác phòng, chống dịch; giá dịch vụ đã được điều chỉnh giảm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song dù trong hoàn cảnh nào, Quảng Ninh vẫn luôn đặt người dân lên hàng đầu, vị trí trung tâm. Tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách vì dân, như: Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND hỗ trợ 100% học phí năm học 2021-2022 cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh… Từ những quyết sách này, mỗi người dân Quảng Ninh luôn được hạnh phúc, ấm no, đủ đầy.
Thu Trang - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()