Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:19 (GMT +7)
Nỗ lực của Bình Liêu
Thứ 4, 13/10/2021 | 14:13:52 [GMT +7] A A
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh (gần 95%), cơ sở hạ tầng trước đây còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn gặp không ít trở ngại. Song huyện đã tập trung triển khai, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Bình Liêu đã cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Điển hình, thực hiện chương trình 135, trong 4 năm (2016-2019), từ nguồn ngân sách địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 7 xã với 288 công trình; hỗ trợ 96 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 3.053 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo. Ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ huyện thực hiện 3 mô hình cho 35 hộ nghèo tham gia với kinh phí 447 triệu đồng trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ) và chương trình 135. Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, hàng nghìn lượt người dân được vay vốn, hỗ trợ tư liệu, kỹ thuật sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Tính đến hết năm 2020, số hộ thoát nghèo trên địa bàn Bình Liêu đạt 183,07% kế hoạch tỉnh giao, số hộ thoát cận nghèo đạt 92,58% kế hoạch; huyện còn 233 hộ nghèo (3,06%), 514 hộ cận nghèo (6,76%), huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 5 xã.
Bên cạnh đó, xác định muốn phát triển được kinh tế, phải tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Huyện đã linh hoạt trong công tác huy động, lồng ghép một cách có hiệu quả các nguồn vốn và tận dụng tối đa các nguồn lực tập trung vào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, đặc biệt là huy động sự đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp và các cá nhân trong, ngoài huyện. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu rõ và nắm được các chính sách đầu tư của Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, chủ động hơn trong việc tham gia hiến đất, đóng góp công xây dựng các tuyến đường.
Nếu như năm 2011, Bình Liêu mới chỉ có 85,8km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa, còn lại 164,5km đường trục thôn, 127,8km đường ngõ xóm và 74,85km đường trục chính nội đồng đều chưa cứng hóa thì đến hết năm 2019, tỷ lệ này nâng lên lần lượt là 86%, 79% và 72%. Đến tháng 9/2020, Bình Liêu đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản trên địa bàn với tổng chiều dài hơn 250km, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Diện mạo huyện miền núi đã có những thay đổi căn bản.
Kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Huyện tập trung khai thác thế mạnh về kinh tế biên mậu, du lịch. Hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đầu tư vào địa bàn Bình Liêu: Nhà máy may mặc (xã Vô Ngại); cụm công nghiệp tại xã Đồng Tâm; khu du lịch sinh thái thác Khe Vằn, xã Húc Động; mô hình trồng hoa công nghệ cao tại xã Hoành Mô... Đây là cơ hội, thuận lợi lớn để Bình Liêu phát triển trong giai đoạn tới.
Song hành với mục tiêu phát triển kinh tế, công tác xã hội, chăm lo sức khỏe người dân cũng được địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt trên 98%. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, huyện đã thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Tính đến tháng 9/2021, tổng số người được tiêm mũi 1 đạt 16.394/32.975 dân số toàn huyện, mũi 2 đạt 15.744 mũi, đạt khoảng 50% miễn dịch toàn dân.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với mặt bằng chung của tỉnh, Bình Liêu vẫn là địa phương gặp nhiều khó khăn: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh, chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế...Để khắc phục hạn chế đó, bám sát các chỉ đạo của tỉnh gắn thực tiễn của địa phương, nhất là trong triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/07/2021 của HĐND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị. Theo đó, tập trung tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục, công trình, dự án nhằm phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ, chuyển đổi cơ cấu lao động; tổ chức lại sản xuất, gia tăng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp; phát triển du lịch cộng đồng bền vững, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa...
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thêm khởi sắc.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()