Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Nỗ lực bảo tồn Di sản thế giới Vịnh Hạ Long
Thứ 7, 23/12/2023 | 14:32:40 [GMT +7] A A
Sau gần 30 năm được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, Quảng Ninh luôn xác định Vịnh Hạ Long như báu vật được thiên nhiên ban tặng cho nhân loại, là động lực quan trọng để phát triển ngành Du lịch và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong cơ cấu kinh tế. Quá trình khai thác và phát huy giá trị di sản, công tác bảo tồn và gìn giữ luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm.
Vịnh Hạ Long không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp diễm lệ, hoành tráng của biển đảo mà còn là một bảo tàng địa chất khổng lồ, nơi ngưng đọng những dấu tích quan trọng của quá trình hình thành, vận động, phát triển của địa hình vỏ trái đất khu vực này.
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn lấy Vịnh là trung tâm của các định hướng, xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược và quy hoạch. Điển hình: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh... gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững đã định hướng xây dựng TP Hạ Long nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế; thành phố của Di sản, Kỳ quan… Điều này có thể thấy Vịnh Hạ Long là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng dài hạn, có vai trò quan trọng bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh của tỉnh.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Trên cơ sở quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế xanh của tỉnh, những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để vừa bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn của Vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới, các chính sách về phát triển bền vững của UNESCO và pháp luật của Việt Nam.
Song song với việc thường xuyên tổ chức điều tra, nghiên cứu và làm rõ, là cơ sở để đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ nhằm ngăn chặn các nguy cơ xâm hại đến Di sản, tỉnh đã thành lập khu bảo tồn nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học; khoanh vùng rừng trên núi đá vôi và rừng ngập mặn để công nhận là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm; di chuyển 354 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở 7 làng chài lên sinh sống tại khu tái định cư trong năm 2014 với mục tiêu ổn định cuộc sống cho ngư dân và giảm áp lực về môi trường trên vịnh; áp đặt quy chuẩn đối với nước thải, rác thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan, các khu dân cư ven bờ Vịnh…
Đặc biệt, từ năm 2019, phong trào ‟Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa" được Ban Quản lý Vịnh phát động, triển khai hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của doanh nghiệp, khách du lịch cùng toàn thể cộng đồng trong thực hiện chiến dịch không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh. Việc thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên Vịnh bằng các vật liệu bền vững được đẩy mạnh.
Giai đoạn năm 2022 đầu năm 2023, tỉnh đã đẩy mạnh chiến dịch thay thế phao xốp tại các công trình nổi trên vịnh bằng các vật liệu nổi bền vững. Thời điểm này trên Vịnh xuất hiện tình trạng phao xốp trôi nổi, đã được nhân dân và các cấp chính quyền triển khai thu dọn, trả lại môi trường xanh, sạch và đẹp hơn cho Vịnh.
Môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái của Vịnh được quản lý theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải; rác thải trôi nổi, nước thải, rác thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan, các khu dân cư ven bờ Vịnh từng bước được thu gom, xử lý; các hoạt động KT-XH được quản lý chặt chẽ và ngày càng đi vào nền nếp, tàu du lịch hoạt động trên Vịnh được quản lý theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, hiệu suất khai thác và giám sát thông qua các thiết bị hiện đại như GPS, camera... Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm tham quan, điểm lưu trú nghỉ đêm được chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo có trọng tâm, trọng điểm theo Quy hoạch và các quy định liên quan nhằm đảm bảo an toàn, mỹ quan, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch. Cơ sở vật chất phục vụ kết nối các điểm tham quan với luồng đường thủy nội địa trên Vịnh Hạ Long đảm bảo thuận lợi, an toàn…
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Những năm gần đây, Vịnh luôn có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, trang web uy tín trên thế giới bình chọn (Khu du lịch hàng đầu Việt Nam; Điểm đến hàng đầu Việt Nam, một trong 10 di sản UNESCO ấn tượng nhất châu Á, một trong 10 điểm tham quan du lịch lý tưởng nhất khu vực Đông Nam Á, một trong 24 điểm du lịch đáng đến trong năm 2024…). Vịnh Hạ Long đã khẳng định là vị trí trung tâm, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()