Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:34 (GMT +7)
Nỗ lực bảo tồn cây khèn Mông trên cao nguyên đá Hà Giang
Chủ nhật, 30/05/2021 | 20:32:00 [GMT +7] A A
Cho dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các thôn bản vùng cao, thế nhưng niềm đam mê tiếng khèn với những chàng trai Mông chưa bao giờ dứt.
Bước chân lên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, về với mảnh đất Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc, người ta sẽ không thể quên được âm thanh của tiếng khèn Mông da diết, trầm bổng vang vọng giữa những núi đá trùng điệp.
Cây khèn là một nhạc cụ gắn bó với người Mông mỗi khi xuống chợ cũng như trong các dịp lễ, tết... Thiếu tiếng khèn, là thiếu đi “linh hồn” của người Mông.
Nhạc cụ được chế tác công phu và tỉ mỉ
Người Mông là bộ phận dân cư chiếm đa phần ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, là một trong những nhân tố chính tạo nên bản sắc văn hóa của mảnh đất này. Khèn, một nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông, cũng chính là một phần quan trọng tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa Mông.
Khèn Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Âm thanh được phát ra theo cả luồng hơi thổi ra, hít vào.
Khèn Mông có 6 ống làm từ 1 loại trúc gắn trên 1 cái bầu bằng gỗ khoét rỗng, kết nối bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Thứ duy nhất từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Mọi công đoạn đều làm thủ công với những dụng cụ đồng bào tự chế.
Bầu đàn thường được làm từ loại gỗ thông như thông đá, kim giao hoặc pơ mu. Chế tác khèn cũng vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung. Các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay, ngắm bằng mắt để chế tác, không có nguyên tắc chung nhưng để có được cây khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm.
Đi đâu đó trên những con đường đồi núi uống quanh, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh chiếc khèn đựng trong quấy tấu theo chân người Mông dong duổi xuống chợ phiên. Dù đi đâu, người Mông cũng mang theo chiếc khèn bên mình, nó gần như là một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Không chỉ có vậy, tiếng khèn còn xuất hiện ở trong những ngày Hội Xuân, khi Tết đến Xuân về, những cánh hoa Đào, Lê bung nở khắp núi rừng, tiếng khèn vui tươi, rộn ràng lại cất lên. Theo người Mông, con trai thổi khèn hay thì mới có nhiều con gái thích.
Người nào vừa biết thổi khèn, vừa biết giao tiếp đối đáp tốt thì càng dễ lấy vợ. Bởi vị trí “thầy khèn” có vai trò rất quan trọng trong các đám, lễ của người Mông.
Khèn cũng là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Nghệ nhân múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình.
Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn,... còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám ma để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới,… Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực, nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ.
Gìn giữ nghề làm khèn Mông
Hiện nay, dù đời sống kinh tế của người dân nơi đây đang dần được cải thiện thì cây khèn vẫn còn giữ nguyên vị trí của nó. Nghệ nhân chế tác khèn Mông vẫn đang được phát triển tại các thôn, bản dù không còn nhiều người làm khèn như trước do nhu cầu dùng khèn đã ít đi rất nhiều so với trước đây.
Xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một trong những xã trên Cao nguyên đá Đồng Văn hiện còn khá nhiều người Mông giữ được nghề làm khèn.
Sinh năm 1985, biết thổi khèn từ năm 16 tuổi, Mua Mí Tủa hiện là người trẻ tuổi nhất xã Sủng Trái biết làm khèn Mông. Anh Tủa cho biết, do có niềm đam mê tiếng khèn từ bé, lớn lên học thổi khèn và giờ anh đã có thể tự tay chế tác khèn. “Phải biết thổi khèn, biết cảm thụ cung bậc của tiếng khèn thì mới làm được cây khèn tốt,” anh Tủa chia sẻ.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều tổ hợp tác sản xuất khèn Mông ra đời, nhiều lớp truyền dạy làm khèn được mở ra, giữ gìn nghề truyền thống gắn với việc phát triển du lịch đã thu hút nhiều người trẻ tuổi theo nghề.
Ông Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn cho biết, nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung, văn hóa dân tộc Mông nói riêng, trong những năm qua, huyện Đồng Văn đã khôi phục nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có khá nhiều nghệ nhân chế tác khèn Mông, đặc biệt là càng ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia chế tác khèn. Huyện cũng đã phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức truyền dạy nghề làm khèn cho thế hệ trẻ. Hiện nay, một số em học sinh đã có thể chế tác được khèn.
Cho dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các thôn bản vùng cao, thế nhưng niềm đam mê tiếng khèn với những chàng trai Mông chưa bao giờ dứt. Những người thuộc thế hệ trẻ như anh Mua Mí Tủa đã và đang góp phần tiếp sức cho tiếng khèn của người Mông mãi ngân vang./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()