Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:09 (GMT +7)
Nỗ lực “bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân”
Thứ 3, 12/03/2024 | 09:53:39 [GMT +7] A A
Đứng trước những khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, những tác động ngày càng xấu đến môi trường; các mối nguy cơ dịch bệnh mới khó kiểm soát và đối phó, tình trạng e ngại tiêm vắc xin, tình trạng kháng kháng sinh, gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm… nhưng ngành Y tế Quảng Ninh với quyết tâm “bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân” đang nỗ lực mỗi ngày thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Đạt và vượt các chỉ tiêu về Y tế so với cả nước
Tính đến đầu năm 2024, các chỉ tiêu về Y tế của tỉnh Quảng Ninh cơ bản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu cả nước: Bệnh viện đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân (toàn quốc đạt 32 giường bệnh/1 vạn dân); 15 bác sĩ/1 vạn dân (toàn quốc đạt 12 bác sĩ/1 vạn dân); 4,02 dược sĩ đại học/1 vạn dân (toàn quốc đạt 3,06 dược sỹ đại học/1 vạn dân); 24 điều dưỡng/1 vạn dân (toàn quốc đạt 13 điều dưỡng/1 vạn dân). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,3% (mục tiêu toàn quốc là 93,2%).
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai giải pháp sử dụng chung nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với hoạt động chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh. Công tác khám chữa bệnh được duy trì ổn định và đảm bảo các điều kiện để phục vụ tốt cho nhân dân trên địa bàn.
Trong năm 2023, các cơ sở y tế đã khám cho 2.617.843 lượt người, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượt điều trị nội trú: 336.709 lượt người, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới của tuyến Trung ương được các bệnh viện tuyến tỉnh và một số trung tâm y tế tuyến huyện triển khai áp dụng trong điều trị có hiệu quả giúp cho người bệnh, đặc biệt là những ca bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo được điều trị ngay tại tỉnh nhà. Qua đó, tiết kiệm chi phí, tạo môi trường chăm sóc sức khỏe thuận tiện cho nhân dân.
Đến hết năm 2023, tuyến tỉnh đã thực hiện được gần 50% kỹ thuật của tuyến Trung ương. Điển hình trong một số lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, phẫu thuật mổ tim hở, can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật sọ não, cột sống, phẫu thuật khớp, nghiên cứu tầm soát và chẩn đoán trước sinh, triển khai lộ trình phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu về ghép tạng và tế bào gốc.
Mạnh mẽ đầu tư cho y tế
Nhằm phát triển chuyên môn sâu, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian qua ngoài việc nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng Y tế của tỉnh Quảng Ninh được đầu tư xây dựng, nâng cấp đảm bảo đồng bộ, hiện đại cho cả hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh. 3 công trình lớn là Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được hoàn thiện đưa vào sử dụng và được chọn gắn biển công trình chào mừng 60 năm thành lập tỉnh trong năm 2023. Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, không ngừng đầu tư xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân.
Đồng thời, ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục đề xuất danh mục, tiến độ đầu tư các dự án quan trọng, khởi công mới giai đoạn 2023-2025 đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết 180/NQ-HĐND ngày 08/12/2023, gồm: Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cơ sở 2 tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long với quy mô 1.000 giường bệnh; Dự án Cải tạo, xây mới Trung tâm Y tế Đông Triều quy mô 400 giường bệnh; Dự án cải tạo, xây mới trụ sở các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 (giai đoạn 1) và sửa chữa, cải tạo trụ sở Trung tâm kiểm nghiệm. Đây sẽ là những bước tiến quan trọng về đầu tư y tế góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Xác định nguồn nhân lực bác sỹ là yếu tố quan trọng để phát triển chuyên môn, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã nỗ lực tập trung xây dựng cơ chế thu hút các đối tượng chất lượng cho y tế xã, huyện, tỉnh và được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023.
Hiện nay, ngành Y tế Quảng Ninh có hơn 8000 cán bộ nhân viên người lao động đang làm việc tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Họ có mặt ở mọi nơi, dù ở vị trí công tác nào cũng không ngừng nỗ lực, tận tụy với nghề, hết lòng vì sức khỏe nhân dân. Song song với công tác phòng bệnh, chất lượng khám, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng ngày càng được nâng lên. Xác định tầm quan trọng của việc được cấp cứu kịp thời quyết định mạng sống của người bệnh, các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đã không ngừng phát triển các kỹ thuật cao trong cấp cứu và điều trị để có thể xử trí các tình huống cấp cứu tối khẩn khi không kịp chuyển tuyến trên.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân
Trong lĩnh vực Y tế dự phòng, ngành Y tế đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các quy trình kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, lối mở khu vực biên giới và tham mưu cho tỉnh phương án phòng chống các dịch bệnh mới và dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trong cộng đồng. Nhờ vậy, trong năm 2023, tình hình các dịch bệnh được kiểm soát tốt, không ghi nhận các ổ dịch lớn cũng như sự bùng phát và lan rộng của dịch bệnh.
Trong bối cảnh nguồn vắc xin tiêm chủng thiếu, ngành y tế đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn như: Báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh và Chính phủ các vướng mắc cần tháo gỡ; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, chủ động nắm bắt thông tin về các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và chia sẻ khó khăn chung với quốc gia, với tỉnh và ngành y tế. Ban Giám đốc Sở Y tế đã tích cực chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, đồng thời đôn đốc, giám sát và đẩy mạnh các hoạt động cung cấp tiêm chủng dịch vụ cho mọi người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp cận.
Nhờ triển khai các giải pháp tích cực, đồng bộ nên năm 2023 chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh đạt kết quả cao hơn so cùng kỳ năm 2022 và cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đến thời điểm báo cáo đạt 79,1% (tỷ lệ bình quân cả nước đạt 73,9%).
Về hoạt động khám chữa bệnh thường quy, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai giải pháp sử dụng chung nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với hoạt động chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện trong tỉnh.
Các đơn vị duy trì và đảm bảo các điều kiện để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Tỷ lệ chuyển bệnh nhân tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương 3% (thấp nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng: Bắc Giang 4%, Bắc Ninh, Thái Bình 8%, Hải Phòng, Hải Dương 7%, Hưng Yên 15%); Thực hiện chỉ đạo tuyến hỗ trợ tuyến dưới trên 150 lượt; thực hiện nhiều đợt khám chữa bệnh lưu động cho các xã khó khăn trên địa bàn.
Với sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành Y tế Quảng Ninh luôn nỗ lực vươn lên cống hiến, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tìm tòi sáng tạo để đưa những kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh, giúp giảm bớt chi phí, gánh nặng cho bệnh nhân, bảo đảm ngày càng thực hiện tốt hơn sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()