Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:09 (GMT +7)
Đua thuyền - Nghịch lý môn thể thao "vàng"
Thứ 7, 02/07/2022 | 08:39:47 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua đua thuyền là "mỏ vàng" của thể thao Quảng Ninh, tỏa sáng trong nước và quốc tế, đặc biệt vừa qua đã giành 4 HCB tại SEA Games 31. Thế nhưng, nghịch lý là môn thể thao này lại không hút VĐV, rất khó tuyển lực lượng kế cận.
Đua thuyền Quảng Ninh khởi phát từ đầu năm 2007 với lứa HLV, VĐV đầu ở Trung tâm Lặn và Cứu nạn tỉnh (nay sáp nhập thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh). Từ cơ sở vật chất nghèo nàn, dụng cụ thiếu thốn và cả không gian tập luyện chưa chuẩn (tập ngoài biển, thay vì ở vùng nước ngọt sông, hồ), môn thể thao này đã khẳng định được thế mạnh. Trong đó, không thể không kể tới sự nỗ lực và nhiệt huyết của HLV Đỗ Văn Hiệu cũng như các lớp HLV, VĐV môn đua thuyền vẫn đang gắn bó với nghề, dù còn nhiều khó khăn.
Dù còn non trẻ, nhưng tháng 10/2007, lần đầu tiên Đội đua thuyền Quảng Ninh thi đấu tại Giải Đua thuyền trẻ toàn quốc đã giành được 1 HCĐ; tiếp đó là 3 HCV ở Giải trẻ toàn quốc năm 2009, rồi dần có những VĐV được lên tuyển trẻ... Tiếp bước đó, nỗ lực của thầy trò môn đua thuyền càng tỏa sáng, khẳng định vị thế môn thể thao "vàng" của thể thao Quảng Ninh. Từ năm 2013, đua thuyền thực sự khẳng định mình, lớn mạnh với thành tích đáng kinh ngạc. Đặc biệt là sự trưởng thành của lứa VĐV tài năng Vũ Thị Linh, Đinh Thị Trang, hay Lường Thị Dung, Nguyễn Thị Đào...
Theo đó, ở Giải Vô địch quốc gia, giải cấp độ cao nhất của môn đua thuyền, Quảng Ninh bắt đầu gặt "vàng" với 2 HCV ở mùa giải 2013. Từ các mùa giải vô địch quốc gia 2014 tới nay, đua thuyền Quảng Ninh đã gặt hái được 26 HCV ở các nội dung thế mạnh. Trong đó, đáng kể là 8 HCV và vị trí thứ 3 toàn đoàn ở 2 kỳ Đại hội TDTT năm 2014 và 2018.
Có thể thấy, trong lịch sử thể thao Quảng Ninh ở các kỳ đại hội có bắn súng giành được 3 HCV năm 2006, bơi giành 3 HCV năm 2010, hiếm môn nào có được 4 HCV như đua thuyền. Thậm chí có thời điểm, Quảng Ninh còn giành HCV cá nhân đua thuyền của VĐV Vũ Thị Linh.
Trên đấu trường quốc tế, đua thuyền Quảng Ninh góp sức vào thành tích đáng nể: 8 HCV, 2 HCB ở Giải Vô địch Đông Nam Á năm 2019 tại Thái Lan; 4 HCB tại SEA Games 31 vừa qua...
Niềm vui, vinh quang đem lại cho thể thao Vùng mỏ, cho thể thao nước nhà là vậy, nhưng môn thể thao này cũng có cái khó riêng, đó là khó thu hút VĐV, khó tuyển chọn tuyến VĐV kế cận. Lý do là bởi, dụng cụ thi đấu rất đặc thù, lại đắt, tập luyện vất vả. Vì thế, các địa phương không có phong trào, các gia đình đều lấn cấn khi cho con luyện tập môn này. Vậy nên ngoài kinh nghiệm, các HLV hay nói vui là thường đi tuyển quân bằng... hình ảnh. Nghĩa là HLV phải mang hình ảnh môn này đi tuyển chọn, giới thiệu video thi đấu, hình ảnh dụng cụ thi đấu, đặc biệt sự tỏa sáng của các tay chèo Quảng Ninh. Đây là cách để các VĐV tương lai, phụ huynh hình dung và hiểu hơn về môn đua thuyền.
Đua thuyền có đặc thù là môn thể thao chu kỳ, đòi hỏi sức mạnh cơ bắp rất vất vả. Đối với nam, điều này là bình thường, với VĐV nữ không hề đơn giản trong quản lý ăn uống, đảm bảo đủ dinh dưỡng, bởi VĐV nữ thường ngại ăn nhiều, tránh béo... Hơn nữa, môi trường tập của đua thuyền là ngoài trời, mưa gió, nắng cháy, rồi rét mướt. Các VĐV đua thuyền tập trong làn nước lạnh cắt da hoặc trở thành... "cột nhà cháy" là chuyện bình thường.
Để vươn tới thành công, các VĐV đua thuyền cần khổ luyện và phải đánh đổi rất nhiều. Khi điều kiện cuộc sống ngày càng được cải thiện thì việc thu hút VĐV đến với môn này càng trở nên khó khăn hơn. VĐV sau quá trình tập luyện không chịu được vất vả đã từ bỏ rất nhiều. Hầu như kỳ tuyển quân nào cũng thất thoát người do VĐV bỏ ngang. Chính vì thế, các HLV thường phải mò mẫm đi tuyển quân ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, hay ở tỉnh ngoài như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa...
Ngoài tố chất của VĐV, một trong những điều kiện giúp nhiều Đội đua thuyền Quảng Ninh thành công chính là từ nơi tuyển quân, từ nỗ lực, quyết tâm, nghị lực của VĐV. Các VĐV có hoàn cảnh khó khăn sẽ dễ làm quen với sự vất vả của môn đua thuyền hơn. Để khuyến khích các VĐV tập luyện, khi được tuyển chọn các VĐV được hỗ trợ, có phụ cấp và nâng mức ưu đãi lên cao theo thành tích thi đấu.
Thông thường, theo chu kỳ 2 năm tập chăm chỉ, các VĐV có thể đi thi đấu và giành được thành quả như VĐV Lường Thị Dung, cá biệt có VĐV trẻ Trương Thị Trang (SN 2005) chỉ sau 14 tháng tập luyện đã giành HCB giải Vô địch quốc gia 2021... Có thể nói, đây là lớp VĐV kế cận cho thành tích vàng của đua thuyền và cũng là những tấm gương sáng để các lớp VĐV kế tiếp noi theo, góp phần tạo thêm sức hút cho môn thể thao vàng mà chưa nhiều hấp dẫn này.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()