Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:34 (GMT +7)
Tiếp tục mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Thứ 4, 04/01/2023 | 08:38:30 [GMT +7] A A
Năm 2023 là mốc quan trọng khi tỉnh Quảng Ninh tròn 60 năm vinh dự được Bác Hồ đặt tên. Đây cũng là năm có tính bản lề trong thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Với tinh thần kế thừa và phát huy thành quả, Quảng Ninh đã chọn chủ đề công tác năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, làm định hướng thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, phấn đấu đạt năm thứ 8 liên tiếp kinh tế tăng trưởng 2 con số.
Bức tranh kinh tế nhiều màu sáng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh năm 2022 đã đạt mức 2 con số với tỷ lệ ước 10,28%. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022), tỉnh giữ vững mục tiêu tăng trưởng, được coi là kỳ tích, kỷ lục mới sau hơn 35 năm đổi mới.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để có được kết quả này, bên cạnh sự đóng góp, đồng lòng rất lớn của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh đã chú trọng, thảo luận kỹ lưỡng, cũng như điều chỉnh linh hoạt kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo thực tiễn. Từ đó, các giải pháp điều hành kinh tế được triển khai hiệu quả, như ổn định sản xuất kinh doanh, khôi phục nhanh chóng ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn; thu, chi ngân sách chủ động, linh hoạt; công tác đôn đốc, kiểm tra, quản lý được tăng cường. Bên cạnh đó, công tác kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện diễn ra thường xuyên...
Năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác với chủ đề: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương trong cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngay đầu năm, số ca mắc Covid-19 mới tăng; thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, cung ứng lao động... bị đứt gãy chuỗi sản xuất; ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, tình trạng tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống KT-XH.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn, Quảng Ninh nhanh chóng định vị lại những cơ hội, thách thức, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, dự báo đúng từ xa, từ sớm, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, khát vọng phát triển để trăn trở tìm tòi hướng đi, cách làm, sáng tạo trên tinh thần kế thừa, đổi mới, kiên định, phát triển... Tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong điều kiện mới; tập trung, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị và bổ sung nhiệm vụ công tác mới có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ đó, những khó khăn đã từng bước được giải quyết, tình hình sản xuất kinh doanh được thúc đẩy, KT-XH nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Theo kết quả tổng hợp từ UBND tỉnh, đến nay, 13/13 chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh đề ra đã đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 54.831 tỷ đồng. Đáng chú ý, khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng, tăng gần 7%; khu vực dịch vụ phục hồi nhanh, là động lực tăng trưởng chính, tăng gần 18%. Phát triển văn hóa, xã hội, con người, đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đặc biệt, ba đột phá chiến lược tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư để đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng. Năm qua, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài 80km; hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh với chiều dài 176km, bằng 1/6 tổng số km đường cao tốc Việt Nam đang có. Quảng Ninh tiếp tục nâng cấp mở rộng Bệnh viện Phổi (TP Hạ Long), nhà ở công nhân KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) và nhà ở xã hội tại đồi Ngân hàng (TP Hạ Long). Tỉnh chuẩn bị khởi công đường ven sông, tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long - Ba Chẽ - tỉnh Lạng Sơn...
Dù bối cảnh trong nước và quốc tế khó khăn, phức tạp, với tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, mạnh dạn đột phá, đi tiên phong trong kiến tạo các hành lang phát triển mới... đã làm nên một Quảng Ninh vẻ vang với kỳ tích 7 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số, nhân dân được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Tiếp đà tăng trưởng, năm 2023 Quảng Ninh giải quyết hiệu quả các thách thức, những khó khăn phát sinh mới với mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững.
Quyết tâm duy trì thành quả
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 trên 2 con số, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu HĐND tỉnh đều nhận định: Cần phải thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của 3 khu vực kinh tế (dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản). Trong đó, chỉ rõ khu vực nào giữ vai trò chủ đạo, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, với những giải pháp hết sức cụ thể giao cho các cấp, các ngành. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 128/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2023.
Với niềm tin gửi gắm của nhân dân về năm 2023 bứt phá, thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, trước bối cảnh dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường... để các kế hoạch, nhiệm vụ được vận hành ngay từ đầu năm, tạo sự đồng thuận, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất, UBND tỉnh đang xây dựng Chương trình hành động về nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH năm 2023 gắn với các phong trào thi đua đặc biệt chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh.
Trong đó, mục tiêu được cụ thể hóa ở các lĩnh vực: Tổng thu NSNN trên địa bàn phấn đấu đạt 54.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1 tỷ USD; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm; phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững...
Để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành và địa phương được giao chủ trì hoặc phối hợp trong tham mưu, triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tinh thần xuyên suốt, chủ đạo đó là tỉnh tập trung vào đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại các KKT, KCN, tăng tỷ lệ lấp đầy; xây dựng chiến lược xúc tiến, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn ngân sách.
Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, hệ thống logistics, các trung tâm thương mại, thương mại điện tử, thương mại biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”. Quảng Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư để ưu tiên đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
Quan điểm phát triển đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh cũng được gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, con người thông qua việc thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()