Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:02 (GMT +7)
Những xu hướng du lịch nào được người Việt ưa chuộng trong năm 2023?
Thứ 3, 14/02/2023 | 23:17:02 [GMT +7] A A
Cùng với thế giới, du lịch Việt được dự báo sẽ tăng về xu hướng nghỉ ngơi, chữa lành tâm trí và thể chất, tăng cường trải nghiệm thực tế, làm giàu có tinh thần, khám phá thiên nhiên...
Theo nhận định của nhiều website về du lịch như Booking, Travel and Leisure và các trang báo quốc tế, một số xu hướng du lịch trong năm 2023 có thể kể đến như du lịch chữa lành, du lịch bền vững, du lịch một mình, du lịch trái mùa, du lịch tiết kiệm...
Nguyên nhân cho sự mở rộng những xu hướng này là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đối với du lịch toàn cầu và du khách Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Xu hướng du lịch hồi phục, chữa lành
Vào năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh từng nhận định xu hướng du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sẽ tăng trong năm 2023 do ảnh hưởng từ COVID-19.
Trên thực tế, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam S.T.I.D cho rằng ở thời kỳ hậu dịch, các dịch vụ du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, bao gồm các hoạt động bằng xe đạp, du lịch đi bộ, các hoạt động thể thao nói chung... đều đã tăng mạnh.
"Đây đều là những hoạt động giúp tăng cường về mặt sức khỏe nhưng phải tạo được cảm hứng và động lực cho người tham gia. Các cơ sở du lịch khai thác loại hình này không nên cơ giới hóa quá nhiều mà tạo thêm điều kiện để khách coi việc đi bộ giống như một thành tích đáng khích lệ, như vậy mới giúp khách du lịch tăng tính sảng khoái cho tinh thần, khuyến khích họ lan tỏa hình thức du lịch đó," ông Phùng Quang Thắng nói.
Ông cho biết thêm đối với du lịch chữa lành, các điểm đến là suối nước khoáng nóng, bùn khoáng tự nhiên, cung cấp kèm các dịch vụ như xông hơi, massage, thiền, yoga... hoặc điểm đến về tâm linh như đình, đền, chùa, tu viện, đặc biệt là những nơi có cung cấp dịch vụ nghỉ lại qua đêm và trải nghiệm sâu hơn về mặt tâm linh, hồi phục tinh thần.
"Du lịch nội địa của Việt Nam là tương đối đa dạng. Chỉ riêng phát triển du lịch trong nước đã đủ cho người dân vừa được nâng cao tinh thần, sức khỏe," ông Phùng Quang Thắng nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, các công ty lữ hành ở nhiều quy mô đã sớm nhìn thấy nhu cầu này và cung cấp các tour ở cả trong và ngoài nước.
Điểm đến của các tour đa dạng, có thể ở gần trung tâm thành phố lớn như Thiên Sơn-Suối Ngà (Ba Vì) cung cấp "dinh dưỡng xanh," sản phẩm sạch cùng với trải nghiệm hoạt động yoga-thiền-bấm huyệt; nghỉ dưỡng ngắn ngày tại Đảo Ó (Hồ Trị An, Đồng Nai)...
Ngoài ra, các tour nước ngoài mang tính chữa lành cũng được quảng bá rộng rãi, có thể kể đến tour hành hương Bhutan với các hoạt động trekking (đi bộ đường dài) tên tu viên, ngắm cảnh, đi giữa các kiến trúc Phật giáo; các điểm đến như Ấn Độ, Thái Lan cũng được đánh giá là có dịch vụ trị liệu đa dạng và hấp dẫn, phù hợp với nhiều mức chi tiêu của khách du lịch.
Tăng tính trải nghiệm, lựa chọn điểm du lịch gần
Anh Cao Mạnh Tuấn, người có kinh nghiệm nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch và đang triển khai các dịch vụ về hoạt động du lịch địa phương tại đảo Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) cho rằng một trong những xu hướng được dự báo sẽ thu hút khách du lịch Việt là các hoạt động tăng cường trải nghiệm thực tế tại các địa phương.
Bên cạnh việc cho thuê homestay, anh Tuấn cũng tổ chức các hoạt động cho khách lẻ có nhu cầu câu cá, bơi thuyền, trải nghiệm ở với ngư dân tại khu vực biển này. Chi phí cho mỗi người có thể linh động từ mức 200.000-700.000 đồng/người/ngày.
Sau hơn một năm triển khai mô hình, anh Tuấn nhận thấy ngày càng có nhiều khách chú trọng vào những trải nghiệm thực tế. Bên cạnh khách trung niên còn có các gia đình có con nhỏ. Thời gian trải nghiệm tại đây có thể chỉ kéo dài một ngày, phù hợp cho các chuyến xuyên Việt hoặc có thể kéo dài 2-4 ngày, đủ trọn vẹn một kỳ nghỉ.
"Nhiều khách du lịch không còn chuộng đi lịch đông người theo một tour mà chú trọng hơn vào những trải nghiệm du lịch cá nhân," anh Tuấn chia sẻ.
Du lịch bền vững với tâm thế bảo vệ, tìm hiểu về môi trường cũng là một xu hướng được nhiều người Việt quan tâm. Đại diện truyền thông của Saigontourist nhận xét nhu cầu này đang gia tăng ở các nhóm nhiều người như doanh nghiệp, tổ chức và đặc biệt là các trường học (phổ thông, cao đẳng, đại học).
Vì vậy, các tour du lịch tại các vườn Quốc gia, vườn ngập mặn kết hợp giữa cắm trại và tìm hiểu tự nhiên... là một trong những sản phẩm du lịch được công ty này chú trọng phát triển trong năm nay. Đối với doanh nghiệp, các tour này có thể được thiết kế để kết hợp với loại hình du lịch MICE (dự hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện... kết hợp du lịch địa phương cho nhân viên doanh nghiệp).
Ở các gia đình có ôtô riêng, sinh sống ở thành phố thì xu hướng đi du lịch ngoại ô dịp cuối tuần sẽ tăng. Những điểm đến là vùng quê, vùng đồi núi tại có thể giúp các bậc phụ huynh thư giãn, giúp trẻ nhỏ có không gian mới để tiếp xúc, tìm hiểu.
Tuy nhiên theo ông Phùng Quang Thắng, nhu cầu này cũng đặt ra thách thức mới, đòi hỏi các địa phương phải có cách khai thác điểm mạnh của mình, tạo ra những sản phẩm du lịch mới và đặc trưng để tránh việc khách cảm thấy vùng quê nào cũng giống vùng quê nào.
Ông cũng đưa ra ví dụ như tại Hà Nội, các đơn vị đã triển khai tour du lịch đêm khá hấp dẫn tại nhiều di tích lịch sử và bảo tàng như Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học để gây ấn tượng về các điểm đến thú vị tại Thủ đô.../.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()