Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:35 (GMT +7)
Những vụ giải cứu thành công người bị mắc kẹt trên thế giới trong 20 năm qua
Thứ 4, 04/01/2023 | 11:10:28 [GMT +7] A A
Trong 2 thập kỷ qua, thế giới đã không ít lần nín thở theo dõi chiến dịch giải cứu người bị mắc kẹt trong các hang động, hầm mỏ... Vụ việc đặc biệt thu hút sự chú ý của thế giới những năm gần đây là chiến dịch giải cứu thành công đội bóng thiếu niên Thái Lan vào năm 2018.
Kỳ tích trong hang Tham Luang, Thái Lan (2018)
Ngày 23/6/2018, đội bóng Wild Boars gồm 12 thành viên trong độ tuổi 11 đến 16 cùng 1 huấn luyện viên 25 tuổi đã đi vào hang Tham Luang và bị mắc kẹt trong hang do mưa lớn.
10 ngày sau đó, 2 thợ lặn người Anh đã tìm thấy nhóm mắc kẹt ở địa điểm cách cửa hang 4km.
Nhà chức trách sau đó đã tập hợp 90 thợ lặn, trong đó có 50 người nước ngoài, giúp giải cứu đội bóng ra khỏi hang, nơi một số khu vực rất nhỏ hẹp và hoàn toàn bị ngập nước.
Điều kiện khắc nghiệt đã khiến 1 cựu đặc nhiệm hải quân Thái Lan thiệt mạng ngày 6/7 trong lúc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, chiến dịch cứu hộ đã kết thúc thành công khi thành viên thiếu niên cuối cùng trong đội bóng được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn vào tối 10/7.
Giải cứu du khách bị ngã xuống hang sâu ở Untersberg, Đức (2014)
Hơn 700 nhân viên cứu hộ đã hợp lực để giải cứu ông Johann Westhauser, một du khách bị trọng thương do lở đá khi khám phá một hang động ở Untersberg, Đức, ngày 8/6/2014.
Đi cùng ông Westhauser còn có 2 người khác. Tuy nhiên, những người đi cùng không bị thương nặng nên một người đã cố gắng đi tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi người còn lại thì ở cạnh chăm sóc Westhauser. Sau đó, ông Westhauser đã được cứu ra khỏi hang sau 11 ngày.
Giải cứu các công nhân bị kẹt trong mỏ vàng ở Nam Phi (2014)
Ngày 16/2/2014, giới chức Nam Phi đã giải cứu thành công 11 công nhân bị kẹt trong mỏ khai thác vàng ở phía đông thủ đô Johannesburg.
Vụ sập hầm xảy ra sau khi có một khối lượng đất đá bất ngờ đổ sụp xuống bịt kín lối thoát hiểm. May mắn là sau đó có người tình cờ đi ngang qua nghe thấy tiếng kêu cứu và kịp thời báo cảnh sát.
Lực lượng cứu hộ sau đó đã đến kịp thời và triển khai công tác giải cứu được 11 công nhân và đưa được họ lên mặt đất.
Giải cứu những thợ mỏ tại Ica, Peru (2012)
Ngày 7/4/2012, 9 thợ mỏ bao gồm cả 2 cha con trong một gia đình đã không may bị kẹt lại dưới lòng đất dưới độ sâu 250m trong vòng 7 ngày khi đang khai thác khoáng sản ở một khu mỏ bất hợp pháp.
Do cấu trúc của lớp đất đá và những cái hầm được đào thiếu chuyên nghiệp cho nên quá trình tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân gặp phải vô vàn khó khăn.
Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài của các tổ chức quốc tế đã đề nghị hỗ trợ giải cứu 9 người này bởi họ có kinh nghiệm trong những vụ việc tương tự. Sau đó, 9 người bị mắc kẹt đã được đưa lên khỏi mặt đất an toàn.
Trung Quốc giải cứu thành công 29 thợ mỏ (2010)
11 giờ sáng 21/11/2010, một trận lũ lớn khiến nước bất ngờ tràn vào làm ngập mỏ than Bát Điền tại huyện Uy Viễn, gần thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong lúc có 35 công nhân đang làm việc. 13 thợ mỏ đã kịp thoát được ra ngoài nhưng 22 người vẫn còn bị mắc kẹt.
Sau khi mỏ than bị ngập, một nhóm gồm 7 người, trong đó có cả Phó Giám đốc mỏ than Zhang Hongliang, đã vào mỏ để cứu 22 công nhân ra nhưng sứ mệnh cứu hộ đã thất bại và bản thân họ cũng bị mắc kẹt.
Các nhà chức trách và cơ quan chức năng đã huy động tới 500 nhân viên cứu hộ và chạy đua với thời gian khi quyết định thay đổi chiến dịch cứu hộ. Họ quyết định hút hết nước ra khỏi hầm mỏ và đưa tiếp một nhóm cứu hộ thứ 2 vào giải cứu 29 người bị mắc kẹt trước đó. Chiến dịch giải cứu thành công tốt đẹp khi đưa được toàn bộ 29 người bị mắc kẹt lên nơi an toàn mà không bị thương.
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi chiến công này là một điểm sáng hiếm hoi giữa thực trạng liên tiếp có các vụ sập hầm mỏ khiến hàng trăm người chết tại quốc gia này suốt những năm vừa qua.
Cứu hàng chục thợ mỏ ở Copiapo, Chile (2010)
Trên trang chủ của các tờ báo quốc tế ngày 5/8/2010 tràn ngập thông tin về vụ việc 33 thợ mỏ người Chile bị mắc kẹt ở độ sâu 600m dưới lòng đất sau khi bị sập hầm.
Với nỗ lực tìm kiếm không ngừng và hy vọng luôn song hành, 17 ngày sau một máy dò được thả xuống thông qua một lối hẹp đã may mắn bắt được sóng của những người thợ mỏ "không biết nên gọi là xấu số hay may mắn" đó.
Sau khi đã xác định được vị trí và gửi các nhu yếu phẩm xuống phía dưới lớp đất đá lổn nhổn, đội cứu hộ cũng phải mất tới 7 tuần lễ để đưa các thợ mỏ lên khỏi mặt đất.
Giải cứu các thủy thủ tàu ngầm tại Kamchatka, Nga (2005)
Vào năm 2005, 7 thủy thủ của tàu ngầm loại nhỏ Priz của Nga đã bị mắc kẹt dưới biển, thuộc khu vực bán đảo Kamchatka, do vướng phải vật cản, khiến khung máy của loại tàu này không thể vận hành.
Do lo ngại sẽ xảy ra thảm kịch giống như vụ tai nạn tàu ngầm Kursk của Nga vào khoảng 5 năm trước đó khiến 118 thủy thủ không ai sống sót, Chính phủ Nga đã nhanh chóng tập hợp lực lượng và nhận được sự trợ giúp kỹ thuật từ phía Anh.
Đúng 3 ngày sau kể từ lúc gặp nạn và trong khoang tàu không còn một chút không khí nào, cả 7 thủy thủ đã thoát khỏi "lưỡi hái" của tử thần trong gang tấc, khi một cỗ máy robot của Anh có khả năng hoạt động dưới nước ở độ sâu 200m cắt thành công vỏ tàu ngầm Priz.
Tổng thống Vladimir Putin khi đó đã trao huân chương cho đội hỗ trợ giải cứu đến từ Anh, đồng thời tuyên bố sẽ đặt hàng Xứ sở sương mù những robot tương tự, phục vụ mục đích cứu hộ cứu nạn.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()