Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 09:42 (GMT +7)
Những trường hợp được nghỉ hưu sớm hơn so với quy định
Thứ 4, 15/11/2023 | 08:30:17 [GMT +7] A A
Người lao động có thể nghỉ hưu sớm không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
1. Cá nhân làm những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm
Hiện nay, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ hưu sớm khi có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
2. Cá nhân được nghỉ việc trước tuổi hưu trí khi công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để có thể xác định các trường hợp được nghỉ việc hưu trí sớm hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được ban hành kèm theo Thông tư 19/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp cá nhân có từ đủ 15 năm trở lên làm việc tại nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021 sẽ được về hưu sớm.
3. Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động
Người lao động được nghỉ hưu sớm trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
4. Cá nhân được về hưu sớm khi có tổng thời gian làm việc tại trường hợp 1 và trường hợp 2 từ đủ 15 năm trở lên
Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quy định 1838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và chia thành 31 lĩnh vực khác nhau như khai thác khoáng sản, hoá chất, vận tải, cơ khí, luyện kim, vệ sinh môi trường...
Theo Thông tư 19/2021/TT-BLĐTBXH có 27 tỉnh, thành phố, 1 đơn vị sản xuất và hành chính khác có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()