Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:15 (GMT +7)
Những trò chơi dân gian bước ra từ trang sách
Thứ 3, 06/12/2022 | 08:41:44 [GMT +7] A A
“Dung dăng dung dẻ”, “Nu na nu nống”, “Đếm vì sao sáng”, “Nói nhanh nói chuẩn”… những trò chơi dân gian từ thời xưa lắc, tưởng chừng giờ đây đã bị lãng quên do nhiều loại hình giải trí hiện đại hấp dẫn trẻ em, nay được các cô quản trò và các em nhỏ tái hiện từ bộ sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn.
Gần 30 em nhỏ ở độ tuổi từ 5 đến 12 đã đến tham dự buổi thực hành trò chơi dân gian trong cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” do Nhã Nam phối hợp với Viện Pháp tại Hà Nội và Quỹ VinIF tổ chức. Buổi thực hành diễn ra tại gian Thư viện nhỏ của Viện Pháp tại Hà Nội, số 15 Thiền Quang.
Tại buổi workshop thực hành, các bạn nhỏ có cơ hội được trải nghiệm các trò chơi dân gian từng gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ, cùng bố mẹ hòa mình vào không gian hoài niệm và khám phá những giá trị giáo dục quý báu trong những trò chơi dân dã.
Hào hứng và say sưa, các em nhỏ cùng nhau trải nghiệm những trò chơi đã gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ 8x trở về trước, thời còn chưa có mạng internet, chưa có thiết bị điện tử thông minh, chỉ có những trò chơi, cây cỏ và sách.
Một bạn nhỏ tham gia buổi thực hành hào hứng chia sẻ: “Cháu rất thích những trò chơi vận động này, khi chơi, cháu luyện được phản xạ nhanh, kịp thời làm theo hiệu lệnh của cô quản trò. Chơi những trò có nhiều bạn tham gia cùng như thế này rất vui, cháu được cười vui vẻ thoải mái. Chơi game trên điện thoại thì chỉ có mỗi một mình mình chơi, không giao lưu được với các bạn”.
Nguyễn Minh Trang, biên tập viên Nhã Nam, người phụ trách các em nhỏ tham gia thực hành trò chơi dân gian chia sẻ, khi xây dựng các trò chơi dân gian cho các em, ban tổ chức cũng đã lựa chọn các trò chơi sao cho các em dễ chơi, dễ nhớ các bài đồng dao, như “Nu na nu nống” hay “Dung dăng dung dẻ”. Đây là những trò chơi trong dân gian có những bài đồng dao đi kèm được truyền miệng từ rất lâu rồi. Các trò chơi dân gian được lựa chọn trong cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ”.
Đã lâu rồi các em nhỏ bị thu hút bởi các thiết bị thông minh, và quên mất những trò chơi và các câu đồng dao như thế, Khi thực hành các trò chơi này, các em nhỏ không chỉ tách ra khỏi các thiết bị điện tử, mà còn được vận động, chạy nhảy, hoạt động, được vui cười với các bạn.
Không chỉ việc tham gia trò chơi đem lại sự sảng khoái cho các em nhỏ, mà những tình huống xảy ra khi chơi cũng khiến các em rất vui vẻ, chẳng hạn như một vài bạn làm sai hiệu lệnh, một vài bạn hành động không kịp yêu cầu của cô quản trò, chỉ những điều nhỏ như vậy nhưng cũng khiến các em cười rất sảng khoái.
Biên tập viên Nguyễn Minh Trang chia sẻ, bởi vì các em nhỏ đăng ký tham gia chương trình chủ yếu ở độ tuổi từ 5-12, lứa tuổi rất hiếu động, ưa hoạt động, cho nên ban tổ chức cũng lựa chọn những trò chơi có sự sôi động nhất định, để các con có thể vận động tay chân nhiều, hấp dẫn các con nhiều các trò ít vận động. Đây cũng là những trò chơi phù hợp với độ tuổi của các bé, dễ chơi, dễ nhớ.
Ở một góc độ nào đó, các trò chơi dân gian đều mang theo những ý nghĩa nhất định. Bên cạnh rèn luyện khả năng vận động, phản xạ nhanh nhạy, rèn trí nhớ và khả năng tư duy, các trò chơi còn giúp các em học được tính đoàn kết, cách làm việc nhóm, thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau, cũng như được biết thêm về thế giới quan, nhân sinh quan của ông bà ta xưa kia.
"Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn do Nhã Nam ấn hành, lần đầu tiên được xuất bản năm 1943 bằng tiếng Pháp trên Tập san của Viện Nghiên cứu con người Đông Dương. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu văn hóa có giá trị và chân thực về trò chơi của trẻ em Bắc Bộ hồi đầu thế kỷ 20, mà phần lớn các trò chơi đó đến nay không còn; nhiều trò chơi bị mất từ rất lâu. Ngoài tính chất khảo cứu về mặt xã hội học, dân tộc học, “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” cũng là một cuốn sách bổ ích giúp độc giả ngày nay tìm lại những trò chơi đã bị lãng quên.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()