Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:40 (GMT +7)
Những trạm trưởng y tế “giằng co” với dịch
Thứ 2, 19/07/2021 | 10:08:23 [GMT +7] A A
Với nhiệm vụ chính là cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, những y, bác sĩ ở các trạm y tế cơ sở có thêm rất nhiều công việc, mà với họ - đó là lần đầu tiên thực hiện. Đối diện với đại dịch toàn cầu, họ đã căng mình, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần giữ vững địa bàn an toàn và mang lại bình yên cho nhân dân.
Trong suốt hàng chục năm theo đuổi nghề Y, có lẽ chưa khi nào bác sĩ Nguyễn Đình Hào, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Dương, TX Đông Triều, lại đi trực lâu như hồi tháng 1/2021: Tròn 1 tháng không về nhà. Chỉ vì Covid-19 mà một tháng đó cũng mang lại nhiều cảm xúc, trải nghiệm mà lần đầu ông gặp: Đối diện với đại dịch lớn nhất toàn cầu; 5 ngày liền không ngủ; đón Tết cổ truyền tại trạm y tế; rớt nước mắt khi đêm Giao thừa chứng kiến cả một gia đình phải đi cách ly…
“Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng tôi chủ yếu tham mưu cho cấp trên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương, xây dựng các kế hoạch ứng phó, kịch bản các cấp độ phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền cho nhân dân phòng dịch hay kiểm soát người từ vùng dịch trở về… Công việc hoàn toàn là chủ động trong phòng dịch. Đến ngày 27/1/2021, khi tiếp nhận thông tin có ca bệnh Covid-19 tại Công ty Poyun, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là người xã Bình Dương, tôi hiểu rằng mình đã chính thức bắt đầu “cuộc chiến giáp lá cà” với “giặc Covid-19” - bác sĩ Nguyễn Đình Hào, kể lại.
Giáp với TP Chí Linh, Hải Dương, nên người dân xã Bình Dương qua lại, làm việc, lao động tại Hải Dương khá đông. Chỉ tính riêng tại Công ty Poyun, xã Bình Dương có 121 công nhân. Tính trong đợt dịch bùng phát từ ngày 27/1/2021, xã Bình Dương có 27 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó 16 ca là công nhân đi làm ở TP Chí Linh; 2 ca phát hiện trong cộng đồng; 9 ca phát hiện sau khi đưa đi cách ly tập trung.
Ngay từ khi nhận được thông tin về ca Covid-19 đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Đình Hào đã huy động toàn Trạm kích hoạt, thực hiện “kịch bản” chống dịch, tuy nhiên, ông cũng không khỏi bất ngờ, bởi số ca Covid-19 tăng lên khá nhanh không chỉ trên địa bàn xã mà cả các xã lân cận. Nhân lực của Trạm Y tế xã chỉ có 5 người, trong đó 1 người là viên chức Dân số, nhưng công việc thì tăng gấp nhiều lần ngày thường, có không ít việc phát sinh ngoài “kịch bản”.
Theo chỉ đạo, công tác chống dịch phải thần tốc, quyết liệt truy vết, thần tốc lấy mẫu, thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, khoanh vùng phong tỏa, cách ly y tế hợp lý; các tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người”, bác sĩ Nguyễn Đình Hào đã phân chia công việc cho từng nhân viên, trực tiếp gánh vác những khâu nóng nhất, những việc khó nhất, tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã những công việc liên quan đến chuyên môn.
Chỉ 2 ngày sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Bình Dương là xã đầu tiên thực hiện lệnh phong toả theo Chỉ thị 16. Với phương châm “thần tốc”, những ngày đầu tiên phát hiện dịch, toàn xã lập mục tiêu phải khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất, sớm nhất để bà con yên tâm. Lúc này, Tết Nguyên đán cũng cận kề. “Suốt 1 tuần đầu tiên, 2 chiếc điện thoại của tôi đổ chuông liên tục. Cuộc gọi từ Ban chỉ đạo cấp trên đến, từ ngành Y tế sang, từ các tổ cộng đồng, từ nhân dân trong các thôn… Tuần đầu tiên tôi gần như thức trắng, cũng không có thời gian ăn, nghỉ; chỉ khi nào thấy mệt quá, Trạm có gì thì ăn nấy, rồi lại làm việc tiếp” - bác sĩ Nguyễn Đình Hào nhớ lại.
Nhờ sự nỗ lực của tất cả lực lượng mà trong thời gian ngắn, xã Bình Dương đã truy vết được 571 người là F1; 1.090 người là F2; 1.275 người là F3; 4.106 người là F4; trong đó F1, F2 được đưa đi cách ly theo quy định. Trong 1 tuần, xã đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn dân trên địa bàn, với tổng số 2.650 hộ, 7.845 mẫu.
Ngày 26/2/2021, xã Bình Dương được dỡ bỏ phong toả. Người dân trút bỏ lo lắng và được sống an toàn trong trạng thái bình thường mới. Đó cũng là tròn 1 tháng bác sĩ Nguyễn Đình Hào “trực chiến” ở Trạm Y tế xã, không về nhà, dù gia đình ông trú tại xã Nguyễn Huệ - cách Bình Dương chỉ vài km. Được trút bỏ bộ quần áo bảo hộ màu xanh kín mít, được tháo bỏ khẩu trang để hít thở bầu không khí trong lành, bác sĩ Nguyễn Đình Hào tiếp tục đi cách ly 21 ngày sau “trận chiến chống Covid-19”.
Trong những ngày cách ly và đến tận bây giờ, ông mãi không quên được những khoảnh khắc về thôn đưa cả gia đình đi cách ly ngay trong đêm Giao thừa; những em bé khóc oà khi theo bố mẹ đi cách ly; những thôn xóm vắng ngắt quá nửa người dân đang phải cách ly vì thuộc diện F1… Và ông cũng thầm cảm ơn sự thông cảm, phối hợp của người dân trong xã khi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; cảm ơn những món quà quê bình dị người dân gửi tới cán bộ làm nhiệm vụ; cảm ơn sự vào cuộc, hỗ trợ của các lực lượng tuyến đầu từ tỉnh đến thị xã… Sự đồng lòng, đoàn kết ấy là sức mạnh để giúp ông thêm sức mạnh, vững vàng hơn khi ra “trận tuyến chống giặc Covid-19”.
Xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều, cũng là địa bàn có nhiều ca F0 liên quan đến ổ dịch Công ty Poyun, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Huệ, y sĩ Tăng Thị Mai chỉ đạo Trạm khởi động kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 cấp độ cao nhất ngay sau khi nhận được tin trên địa bàn xã có ca F0 - là chồng của 1 công nhân Công ty Poyun, vào ngày 28/1/2021. Tiếp đó, chị dẫn đầu Tổ truy vết đến gia đình ca bệnh để điều tra, lập danh sách F1, F2 và đưa đi cách ly theo quy định.
Liên tiếp những ngày sau đó, chị Tăng Thị Mai bị cuốn vào guồng quay của cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi trên địa bàn xã liên tục có ca F0. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, Trạm Y tế xã Nguyễn Huệ đã chủ động thực hiện những phần việc thuộc thẩm quyền, chuyên môn. Đặc biệt, khi có 1 nữ công nhân Công ty Poyun sống trên địa bàn xã gọi điện cho chị báo mình đã là F0, chị Mai đã chủ động đến nhà gia đình F0 truy vết, lập danh sách F1, F2, lấy mẫu trước khi ca bệnh được công bố. Chính sự chủ động này đã giúp xã khoanh vùng nhanh các trường hợp khi sau đó, chồng và con của F0 này cũng dương tính với SARS-CoV-2.
Do đã xây dựng kịch bản từ trước một cách chu đáo, kỹ lưỡng, nên khi đối mặt với tình hình xã có ca F0, y sĩ Tăng Thị Mai khá bình tĩnh. Những gì đã mường tượng, đã dự trù trong kịch bản nay thành hiện thực, chị chỉ đạo và động viên anh em trong Trạm thực hiện đúng các bước, các quy định trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, phải chú ý bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ cho bản thân, có như vậy mới “chiến đấu” với dịch bệnh được lâu dài. Động viên đồng nghiệp là thế, nhưng trong cuộc chiến với Covid-19, chị lại quên đi chính mình khi trắng đêm đi truy vết, đến bữa quên cả ăn, mấy ngày chỉ uống nước rồi lao vào công việc.
“Công việc cứ cuốn mình đi, không cho phép ngừng nghỉ. Nào làm báo cáo diễn biến dịch; nào dẫn đoàn đi truy vết, lấy mẫu; nào hướng dẫn người dân đi cách ly; khử khuẩn, vệ sinh nơi có dịch;… rồi vẫn phải chú ý cấp phát thuốc tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh nền trong thời gian xã bị phong toả, chống dịch. Gần 1 tháng công việc xoay vòng khiến tôi không thể về nhà, dù nhà cách nơi làm việc chỉ hơn 1km. Đến bây giờ, tôi thấy thật may mắn khi gần 1 tháng vất vả như vậy nhưng anh chị em trong Trạm không ai bị ốm, kiệt sức” – chị Tăng Thị Mai chia sẻ.
Tết Nguyên đán vừa qua có lẽ là Tết đáng nhớ nhất đối với chị Mai. Đón Tết ở Trạm Y tế, anh chị em trong Trạm được người nhà gửi bánh chưng, thực phẩm; chúc Tết gia đình chỉ qua điện thoại, rồi tất cả lại tập trung vào chống dịch. Một ngày đi nhiều lần về các thôn, cũng là từng đó lần đi qua nhà vậy mà chị không thể dừng chân, về nhà một phút nào. Rất may là gia đình là hậu phương vững chắc, giúp chị yên tâm dồn sức cùng các lực lượng chiến thắng “giặc Covid-19”.
Những ngày này, khi tin tức về dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì việc giữ được địa bàn an toàn là mục tiêu lớn nhất của các địa phương. Trải qua những tháng ngày “giằng co” với “giặc” Covid-19, những Trạm trưởng Trạm Y tế như ông Nguyễn Đình Hào, chị Tăng Thị Mai hiểu hơn ai hết sự quý giá và niềm vui khi được sống trong địa bàn an toàn. Vì thế, sau mỗi cuộc chiến, họ không chủ quan, lơ là mà càng tích cực hơn trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Một ngày được đến Trạm Y tế làm việc và trở về nhà như bao ngày bình thường khác chính là niềm vui lớn nhất, là mục tiêu lớn nhất mà mỗi cán bộ trạm Y tế ở cơ sở đang nỗ lực, cố gắng thực hiện.
Hoàng Quý
Liên kết website
Ý kiến ()