Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:10 (GMT +7)
“Những trải nghiệm thực tế mới thu hút du khách trở lại nhiều lần”
Chủ nhật, 31/07/2022 | 07:34:23 [GMT +7] A A
Sử dụng phương thức truyền thông và marketing mới nhằm định vị hình ảnh du lịch Hạ Long trong mắt du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, là một trong số những lựa chọn giải pháp phát triển bền vững cho di sản Vịnh Hạ Long.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Le Invest (Holdings) Corporation xung quanh vấn đề này.
- Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, theo ông, trong bối cảnh hiện nay, Vịnh Hạ Long cần xây dựng chiến lược truyền thông như thế nào để phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững? + Đầu tiên khi muốn quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Quảng Ninh cần phải xác định thương hiệu đó sẽ đi theo con đường nào? Đó gọi là định vị thương hiệu. Khi định vị chúng ta phải chỉ ra được sự khác biệt của Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh so với các địa phương khác trong phạm vi Việt Nam và cả với các điểm đến di sản khác trên thế giới. Điều đầu tiên cần làm là tìm ra giá trị đầu tiên, duy nhất và khác biệt mà khi nói đến nó khách du lịch mới lựa chọn đến với Vịnh Hạ Long, đến với Quảng Ninh. |
Bước thứ hai chúng ta cần làm là quảng bá cho hình ảnh, cho thương hiệu đó theo xu hướng, theo phương thức truyền thông marketing hiện đại kiểu mới, sử dụng các công cụ kỹ thuật số, phải biết cách đọc được suy nghĩ, mong muốn của từng nhóm đối tượng khách hàng. Muốn làm được điều đó chúng ta phải ứng dụng được kỹ thuật số để đọc được những thông tin mà khách hàng chia sẻ với chúng ta một cách vô thức hoặc có ý thức.
Ví dụ như qua lắng nghe và thu thập thông tin của du khách khi họ tương tác trên các nền tảng số, chúng ta sẽ thiết kế những sản phẩm phù hợp với mong muốn của họ. Trước đây chúng ta làm theo phương thức rất truyền thống là chỉ tung các thông tin lên các phương tiện truyền thông nhưng với xu hướng mới chúng ta phải tạo ra sự tương hỗ, tức là du khách phải trực tiếp tham gia vào các trải nghiệm mà chúng ta tạo ra bao gồm trải nghiệm du lịch trực tiếp tại Vịnh Hạ Long hay chia sẻ các trải nghiệm du lịch trên các nền tảng trực tuyến.
Ví dụ như đã từng đến Hạ Long thì họ sẽ chia sẻ những hình ảnh của bản thân, gia đình và bạn bè trên các nền tảng truyền thông của họ. Hoặc khi chúng ta đưa những hình ảnh của Quảng Ninh, của Hạ Long lên nền tảng mạng xã hội, phải thu hút được du khách tham gia vào.
Như vậy, trải nghiệm của khách hàng là cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải thiết kế ra những trải nghiệm đó và phải lôi kéo du khách cùng tham gia và phải thúc đẩy để họ chia sẻ cảm xúc và chia sẻ với những người khác.
- Theo quan điểm của ông, du lịch Hạ Long đang thiếu gì và cần làm gì để bù đắp?
+ Chúng ta có một Vịnh Hạ Long rất đẹp về cảnh quan, rất kỳ thú, rất đặc biệt! Ai đến đây cũng nói rằng “Thật là đẹp! Thật là tuyệt vời!” nhưng nếu chúng ta hỏi họ có quay lại nữa hay không thì sẽ rất ít người quay trở lại. Họ sẽ không quay trở lại để xem một phong cảnh họ đã xem rồi nhưng người ta sẽ quay trở lại để thực hiện, để tham gia vào những trải nghiệm mà họ thấy thích. Ví dụ có một sự kiện văn hóa hoặc thể thao tại Quảng Ninh vào năm nay khi du khách đến dự, họ thấy hứng thú thì năm sau họ sẽ quay trở lại để tham gia sự kiện văn hóa, thể thao đó một lần nữa và nếu họ thích, họ lại tham gia một lần nữa. Điều quan trọng và sức hút không chỉ là cảnh đẹp của vịnh mà là ký ức, là hoạt động mà du khách cảm thấy hứng thú.
Như vậy chúng ta phải tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm cao. Vịnh Hạ Long có chèo thuyền kayak là một hoạt động rất phổ biến nhưng chỉ có một nhóm người thích kayak thôi còn những người không thích kayak thì họ làm gì? Chúng ta sẽ phải thiết kế những sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Khách du lịch đến với Hạ Long thì độ tuổi rất đa dạng, họ lại đến từ những vùng đất khác nhau. Người châu Âu có nhu cầu khác với người châu Á. Môi trường sinh hoạt khác nhau khiến họ có nhu cầu trải nghiệm khác nhau. Có người thích không gian yên tĩnh nhưng cũng có người thích sự sôi động. Vậy chúng ta phải có các sản phẩm du lịch phục vụ nhóm đối tượng khác nhau như thế...
Xem cũng rất hay nhưng xem không khiến cho người ta quay trở lại. Những trải nghiệm thực tế mới thu hút du khách khiến họ muốn trở lại nhiều lần.
- Hạ Long đang phải đối mặt với tình trạng du lịch mùa hè “quá nóng” mà du lịch các mùa còn lại trong năm lại khá thưa vắng. Theo ông, ở góc độ truyền thông du lịch Hạ Long cần phải làm gì để cân bằng lượng khách giữa các mùa?
- Đấy là câu chuyện chúng ta thiết kế sản phẩm du lịch như thế nào? Nếu chúng ta có một liên hoan phim tại Quảng Ninh vào đúng mùa đông, thì du khách người ta có đến không? Người ta sẽ đến chứ! Nhưng nếu chúng ta chỉ có sản phẩm du lịch là lên thuyền rồi đi tắm biển thì người ta sẽ không đến vào mùa đông. Nếu ta nghĩ rằng khách du lịch người ta ra biển chỉ để tắm biển thôi thì du khách sẽ chỉ đến vào mùa hè. Chúng ta đang thiếu các sản phẩm du lịch vào các mùa thấp điểm. Thế thì bài toán của chúng ta là phải hiểu đối tượng khách của mình có nhu cầu đi du lịch vào mùa thấp điểm không? Và nếu chúng ta thiết kế sản phẩm chạm được vào nhu cầu của khách hàng thì người ta vẫn đến vào mùa thu, mùa đông, các mùa thấp điểm của du lịch biển.
- Theo ông, Hạ Long nên sử dụng các công cụ marketing như thế nào để điều phối lượng khách? Lúc nào sẽ là marketing và lúc nào sẽ sử dụng demarketing?
+ Bản chất demarketing cũng là marketing nhưng demarketing làm marketing bằng cách nâng cao giá trị của sản phẩm thông qua việc hạn chế khả năng tiếp cận với sản phẩm. Với một sản phẩm dành cho đại chúng nếu chúng ta cứ thúc đẩy sự hấp dẫn của nó, mọi người sẽ cùng nhau kéo đến. Nhưng có những trường hợp khi chúng ta lo lắng rằng lượng khách đến đông quá có thể ảnh hưởng tới di sản hoặc gây khó khăn cho quản lý về môi trường thì chúng ta có thể thực hiện giải pháp demarketing. Tức là có những biện pháp hạn chế đối với sản phẩm này.
Bao giờ cũng thế những sản phẩm càng khó tiếp cận thì nó càng trở thành quý hiếm và nó sẽ tạo thành giá trị cao hơn. Ví dụ bây giờ không phải ai cũng thích xách ba lô lên là đến được hang Sơn Đoòng. Chúng ta phải đáp ứng đủ các tiêu chí như phải được học các lớp về bảo vệ môi trường, quan trọng hơn nữa là phải đủ tiền. Như vậy, số lượng du khách tiếp cận Sơn Đoòng không cần nhiều nhưng giá trị thu được vẫn lớn. Khi làm truyền thông, tiếp thị cho di sản Vịnh Hạ Long, chúng ta cũng cần nghĩ đến câu chuyện tương tự như vậy.
Chúng ta đang nói đến năng lực tiếp nhận du khách đến với Vịnh Hạ Long. Năng lực đó là hữu hạn, đến một mức nào đó nó sẽ bị quá tải, đó là lúc chúng ta phải tiết giảm lại. Theo quy luật kinh tế thôi, nếu giá rất rẻ thì đông người dùng, nhưng giá hơi cao hơn khả năng tiêu dùng thì người ta sẽ dè dặt. Những sản phẩm du lịch có giá trị cao và cần được bảo tồn thận trọng thì chúng ta nên thực hiện theo các giải pháp như vậy.
Tuy nhiên cũng cần tránh quan điểm bảo tồn di sản một cách quá khích là cấm tuyệt đối. Điều này trái lại sẽ kìm hãm sự phát triển. Ứng dụng các giải pháp để bảo vệ di sản nhưng đồng thời cũng mở cánh cửa một cách có điều kiện để chúng ta đảm bảo được khả năng kiểm soát về môi trường và sự bền vững của di sản.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()