Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:05 (GMT +7)
Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023: Những tín hiệu tích cực
Thứ 7, 11/03/2023 | 07:25:56 [GMT +7] A A
Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã năm 2023 với nhiều thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức khó lường. Với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, tỉnh đã chủ động từ xa, từ sớm, nhận diện rõ những nguy cơ, thách thức; phát huy tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, khoa học, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm trên 10%
Từ cuối tháng 11/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023", với chủ đề được xác định là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Nghị quyết xác định tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt trên 10%; tổng thu NSNN đạt trên 53.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI vào địa bàn các KCN, KKT ít nhất 1 tỷ USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%; hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo...
Cụ thể hóa Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND (ngày 13/1/2023) về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023; ban hành Chương trình số 122/CTr-UBND (ngày 19/1/2023) về triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản đảm bảo khoa học, chặt chẽ với những giải pháp hết sức chi tiết, cụ thể gắn với nhiệm vụ, mục tiêu mà Chính phủ, Tỉnh ủy đã xác định, làm cơ sở để cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 được UBND tỉnh xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng quý, giao cụ thể cho các cấp, các ngành. Trong đó, quý I/2023 phấn đấu tăng trưởng GRDP 8,29%, với giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản là 3,74%, công nghiệp - xây dựng 5,6%, dịch vụ 13,25%, thuế sản phẩm 9,1%; thu NSNN 12.580 tỷ đồng. Quý II/2023, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 9,27%, với giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản 4,13%, công nghiệp - xây dựng 6,64%, dịch vụ 14,9%, thuế sản phẩm 9,25%; thu NSNN 13.750 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP 8,8%.
Quý III/2023, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 13,5%, với giá trị tăng thêm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản 4,62%, công nghiệp - xây dựng 13,46%, dịch vụ 16,16%, thuế sản phẩm 9,75%; thu NSNN 12.400 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP 10,48%.
Quý IV/2023, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 12,4%, với giá trị tăng thêm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%, công nghiệp - xây dựng 8,42%, dịch vụ 120,1%, thuế sản phẩm 9,72%; thu NSNN 15.270 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP 11,03%, tăng 0,7% so với năm 2022, với giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản 4,21%, công nghiệp - xây dựng 8,52%, dịch vụ 16,48%, thuế sản phẩm 9,5%; thu NSNN 54.000 tỷ đồng.
Đồng bộ các giải pháp triển khai
Để thực hiện hiệu quả Kịch bản tăng trưởng kinh tế 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành dựa trên chức năng, nhiệm vụ, tiềm năng, lợi thế của ngành, địa phương mình, cụ thể hóa, xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp, đảm bảo các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, tương xứng với nguồn lực đầu tư của tỉnh, nhất là sau khi nhiều dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật vừa được đưa vào vận hành, khai thác và quá trình thích nghi nhanh trong phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 của tỉnh.
Bám sát định hướng của tỉnh, ngay sau nghỉ Tết Nguyên đán, các sở, ngành, địa phương đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương đạo đức công vụ, tập trung triển khai công việc. Công nghiệp được tỉnh xác định là ngành chủ lực, Sở KH&ĐT, Công Thương, Sở TN&MT, Ban Quản lý KKT tỉnh đã chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, giải quyết thủ tục pháp lý, nhất là TTHC thuộc thẩm quyền của tỉnh; hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng KCN nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, hệ số sử dụng đất, tăng tỷ lệ lấp đầy.
Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển, thăm dò, đánh giá trữ lượng than, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hợp lý, bền vững theo quy hoạch, gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Được xác định là một trong những bệ đỡ của nền kinh tế Quảng Ninh, ngành Than đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh trên cơ sở khai thác tối đa cơ hội thị trường để tăng sản lượng than sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung phát triển lĩnh vực nhập khẩu, pha trộn than tại Quảng Ninh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước theo mô hình “Sản xuất - Thương mại than” ổn định, bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm ANTT, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngành dịch vụ, du lịch được xác định sẽ "bùng nổ" sau thời gian gián đoạn dài do dịch Covid-19. Các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã kịp thời tham mưu và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến, trong đó tập trung vào thị trường nội địa và một số thị trường quốc tế trọng điểm; xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá và tổ chức các hoạt động sự kiện phù hợp với tình hình mới. Đồng thời nghiên cứu, phát triển đa dạng, độc đáo các sản phẩm du lịch, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị của thiên nhiên, con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các vùng biển đảo của tỉnh; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Với mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách năm 2023, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế, đơn vị đang triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, với việc khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc ở các địa phương miền Đông, phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp.
Trong năm 2023, ngành dịch vụ logistics cũng được tỉnh xác định sẽ tạo đột phá. Ngay từ đầu năm, các sở, ngành liên quan đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics, các trung tâm thương mại và chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững. Cục Hải quan chủ động tiếp cận, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách và thủ tục hải quan để thúc đẩy hoạt động logistics, tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu, có phương án thu hút nhóm doanh nghiệp mới, nguồn hàng mới về làm thủ tục và nộp thuế vào NSNN từ khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long.
Với sự chủ động, tích cực triển khai các giải pháp, kết thúc tháng 2/2023, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,3%; khách du lịch đạt 3,35 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2,68 lần so cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 8,11% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn FDI đạt 331,84 triệu USD, bằng 33,18% kế hoạch năm; thu NSNN đạt 10.150 tỷ đồng (thu XNK 3.000 tỷ đồng, thu nội địa 7.150 tỷ đồng), bằng 19% dự toán năm, bằng 126% so với cùng kỳ năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 của UBND tỉnh, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Hầu hết các nhiệm vụ đã được triển khai theo kế hoạch, tuy nhiên hiệu quả chưa thực sự được như mong muốn, nhất là đối với ngành khai khoáng và ngành điện. Để triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ trong tháng 3, đặc biệt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,29% trong quý I, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực phấn đấu, triển khai công việc với tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tập trung tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp; nắm bắt khó khăn của ngành than, điện để kịp thời tham mưu giải pháp tháo gỡ, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công. Ưu tiên, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án khởi công mới, dự án chuyển tiếp, dự án thi đua chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh.
Mạnh Trường
- Bình Liêu: Phát triển KT-XH vùng DTTS gắn với xây dựng NTM
- Tiên Yên: Quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH năm 2023
- Triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023: Hành động quyết liệt ngay từ đầu năm
- Kết quả phát triển KT-XH 2022
- TP Móng Cái: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022
Liên kết website
Ý kiến ()