Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:38 (GMT +7)
Những thương vụ vũ khí 'khủng' của Nga năm 2021
Thứ 6, 07/01/2022 | 17:02:40 [GMT +7] A A
Tổng hợp đồng quân sự của Nga ước tính trị giá khoảng 55 tỷ USD và nước này đang chuyển giao thiết bị theo đúng tiến độ.
Theo trang tin rbth.com ngày 6/1, tính đến cuối năm 2021, Nga đã nhận được các hợp đồng vũ khí trị giá 55 tỷ USD trên khắp thế giới, từ việc bán máy bay, hệ thống phòng không và súng trường tấn công AK.
Năm 2021, Nga vẫn thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Đức và Pháp. Tổng giá thầu của Moscow trong việc giao vũ khí trên khắp thế giới vẫn đạt khoảng 20%.
Bất chấp đại dịch COVID-19, Nga đã nỗ lực để nhận được các hợp đồng vũ khí trị giá 10 tỷ USD bổ sung vào năm 2021, theo tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự (FSVTS) Dmitry Shugaev.
Dưới đây là những thương vụ vũ khí lớn nhất trong năm qua mà Nga ký kết với các đối tác, trong đó có một số đã được tiết lộ với công chúng.
Ấn Độ
Thỏa thuận giữa tập đoàn vũ khí Nga Kalashnikov Concern và quân đội Ấn Độ đã trở thành sự kiện quan trọng của năm 2021. Kalashnikov Concern đã ký thỏa thuận trị giá 590 triệu USD với New Delhi về việc sản xuất súng trường tấn công AK-203 tại một nhà máy ở Korva (Uttar Pradesh, Ấn Độ).
Theo thỏa thuận, New Delhi sẽ sản xuất hơn 670.000 súng trường tấn công AK-203. Giá của mỗi khẩu súng sẽ vào khoảng 960 USD.
AK-203 sử dụng loại đạn 7,62x39 mm và có một số điều chỉnh so với các khẩu súng AK hiện đại khác. Vladimir Onokoy thuộc bộ phận hợp tác kỹ thuật quân sự của Kalashnikov cho biết: “AK-203 cũng đã cải thiện độ chính xác khi bắn. Nó cũng có tay cầm mới, có báng gấp, các rãnh có thế lắp nhiều loại ống ngắm, đèn nhìn đêm”.
Ấn Độ vẫn là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn của Nga. Một thỏa thuận vũ khí khổng lồ khác đã được công bố vào năm 2018 khi hai bên ký hợp đồng trị giá 5,8 tỷ USD về sản xuất hệ thống phòng không S-400 và vào cuối năm nay, Moscow sẽ giao lô đầu tiên của tổ hợp này.
Châu Phi và Trung Đông
Năm 2021, Nga đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 1,7 tỷ USD với 17 quốc gia châu Phi. Rosoboronexport (công ty Nga phụ trách chuyển giao vũ khí ra nước ngoài) không nêu rõ chính xác những loại vũ khí nào và đối tượng cung cấp trong khu vực, nhưng tuyên bố rằng hợp đồng bao gồm máy bay trực thăng, hệ thống phòng không, thiết bị hải quân, xe bọc thép hạng nhẹ, cũng như các loại súng cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Dmitry Litovkin, biên tập viên của tờ “Independent Military Review”, lưu ý: “Kể từ đầu năm 2021, tất cả các hoạt động bán vũ khí cho nước ngoài đều được coi là ‘bí mật quốc gia’. Vì vậy, Rosoboronexport sẽ chỉ tiết lộ toàn bộ thiết bị mà họ chuyển giao trong khu vực khi thông tin về một thỏa thuận bị rò rỉ trên báo chí thông qua các phương tiện truyền thông nước ngoài”. Theo ông Litovkin, tại một cuộc triển lãm quân sự vào giữa năm 2021, Nga đã giới thiệu xe bọc thép chở quân BTR-80, toàn bộ loạt súng trường tấn công AK mới nhất (AK-12, AK-15, AK-19, AK-308, v.v.), cũng như tên lửa chống tăng “Kornet”. Vì vậy, danh sách bán hàng tiềm năng có thể bao gồm những vũ khí này.
Trong các cuộc triển lãm quân sự ở Trung Đông, Nga cũng đã giành được các hợp đồng trị giá 1,3 tỷ USD và các đợt giao hàng trong tương lai có thể sẽ mang về cho nước này hơn 2,5 tỷ USD. Tại cuộc triển lãm Dubai Airshow 2021 (diễn ra từ ngày 14-18/11/2021 ở UAE), Nga đã giới thiệu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm “Checkmate”, cũng như các máy bay không người lái tấn công Orion đã được thử nghiệm ở Syria và máy bay dân dụng tầm trung MC-21 mới.
Sản xuất đạn cho Mỹ
Bất chấp lệnh trừng phạt của Washington, các nhà sản xuất quân sự Nga đã lập kỷ lục trong việc giao đạn cho Mỹ. Theo số liệu từ Mỹ, được trích dẫn bởi nhật báo kinh doanh RBK (Nga), trong 10 tháng đầu năm 2021, các công ty Mỹ đã nhập khẩu vũ khí, đạn dược cỡ nhỏ trị giá 157,9 triệu USD của Nga, trong đó có khoảng 7,7 triệu viên đạn dành cho súng AK trên thị trường dân sự.
Ông Litovkin cho biết: “Các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt vào tháng 8/2021 hạn chế việc cấp phép tiếp tục mua súng và đạn từ Nga. Nhưng các công ty Mỹ đã tìm cách mua càng nhiều đạn càng tốt cho khách hàng của họ trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Trong một vài năm tới, các biện pháp mới sẽ cấm hoàn toàn việc Nga giao đạn cho Mỹ và các công ty của họ sẽ phải tìm kiếm các nhà cung cấp đạn mới cho súng trường AK”.
Các nước thuộc khối Liên xô cũ (CIS)
Rosoboronexport không tiết lộ giá trị của các hợp đồng quân sự với các nước CIS. Tuy nhiên, năm 2021, Moscow vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho các nước CIS. Xuất khẩu vũ khí sang các nước này vẫn là một phần quan trọng trong hợp tác quân sự giữa Moscow và các đồng minh trong khu vực. Các nhà nhập khẩu vũ khí chính là Kazakhstan và Belarus.
Kazakhstan đã nhận 5 tổ hợp phòng không S-300PS và 16 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4+ Su-30. Nga cũng gia hạn hợp đồng với Kazakhstan về việc giao máy bay chiến đấu Su-30SM.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu vũ khí của Nga sang Belarus đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2010-2015, chủ yếu là các hệ thống phòng không và máy bay cho Lực lượng Không quân Belarus. Có thông tin tiết lộ rằng Minsk đã nhận các đơn vị phòng không S-300 và máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.
Latinh và Nam Mỹ
Kể từ đầu năm 2000, Nga đã tiến hành buôn bán và sản xuất vũ khí với bảy quốc gia Nam Mỹ, gồm Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador, Peru, Uruguay và Venezuela.
Theo ông Litovkin, quân đội của các nước trên chủ yếu được trang bị vũ khí do Nga sản xuất: “Moscow sản xuất và bán máy bay trực thăng, xe thiết giáp hạng nhẹ, hệ thống phòng không và vũ khí cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương của họ. Khách hàng lớn nhất của Nga trong khu vực là Venezuela”.
Moscow và Caracas có các hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỷ đô la bao gồm toàn bộ các loại phương tiện trên bộ, vũ khí và trực thăng. Theo dữ liệu công khai, Venezuela đã mua phương tiện xe bộ binh bọc thép, bao gồm xe chiến đấu bộ binh BMP-3M và xe chở quân bọc thép BTR-80A. Hai bên cũng có hợp đồng cho các hệ thống pháo binh, chẳng hạn như Msta-S và hệ thống tên lửa “Grad”.
Venezuela còn có hợp đồng mua xe tăng T-72B1 và các hệ thống phòng không S-300VM, Buk-M2 và Tor-M1 với Nga. Lực lượng Không quân Venezuela cũng mua các máy bay trực thăng chiến đấu và vận tải của Nga, chẳng hạn như Mi-17-1B “Panare”, Mi-26T2 “Pemon” và Mi-35M2 “Caribe”, cũng như máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2B .
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()