Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết đối với các bệnh về cơ xương khớp, ngoài nguyên nhân do quá trình thoái hóa tự nhiên thì phần lớn bệnh lý phát sinh là do những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.
Đầu tiên là hành động bẻ tay, vặn lưng, xoay cổ quá mức. Nhiều người thực hành việc này trong vô thức nhằm giải tỏa áp lực ở cổ vai gáy khi căng thẳng, song thói quen này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và là một nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh về cơ xương khớp. Khi xoay cổ, các bao khớp bị giãn ra khiến lớp dịch khớp (nằm trong bao khớp) sản sinh các bong bóng khí. Chúng sẽ vỡ ra và tạo ra âm thanh "rắc rắc" khi áp lực hạ dưới mức thấp nhất. Điều này khiến cho hoạt động ở cổ bị yếu và đau.
Tương tự vặn lưng, bẻ tay khiến các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động, dẫn đến phá hủy các cấu trúc của sụn khớp và dây chằng xung quanh khớp. Tuy chỉ là tổn thương nhỏ nhưng lại đẩy nhanh quá trình lão hóa xương khớp, lâu dần khiến các khớp ngày càng to lên và gây ra những tổn thương như bong gân, giãn dây chằng, trật khớp...
Thứ hai là đi giày cao gót thường xuyên. Giày cao gót khiến các nhóm cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân chịu áp lực rất lớn của toàn bộ cơ thể. Đặc biệt, phần bắp chân phải chịu tác động từ việc cố gắng di chuyển trong trạng thái trọng tâm dồn ra phía trước. Do đó hiện tượng căng, nhức mỏi phần cơ bắp chân là không thể tránh khỏi.
Cấu trúc của giày cao gót là cố tình nâng cao phần gót làm cho trọng lượng cơ thể đổ dồn vào phía mũi chân, dẫn đến tình trạng đau nhức. Mũi giày hẹp còn có thể dẫn đến nguy cơ phồng rộp và lâu ngày có thể làm biến dạng ngón chân, đặc biệt là ngón cái do đây là ngón dài nhất và tiếp xúc với giày nhiều nhất.
Ngoài ra, để giữ thăng bằng được trên đôi giày cao gót, bạn sẽ tự động điều chỉnh cơ thể và dáng đứng: thẳng lưng, ngực hơi ưỡn về phía trước. Khi đó, các cơ ở thắt lưng và vùng hông phải chịu nhiều áp lực, gây đau nhức vùng lưng dưới. Cố lấy thăng bằng khi di chuyển còn khiến lệch xương chậu và ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống.
Để hạn chế những ảnh hưởng, bạn có thể tự massage chân sau khi đi giày cao gót, hoặc ngâm chân nước nóng 10-15 phút để đẩy mạnh lưu thông máu. Chỉ mang giày cao gót khi cần thiết và nên có phương dép hoặc giày bệt dự phòng.
Ngồi làm việc quá lâu cũng ảnh hưởng đến xương khớp. Bác sĩ nhận định tình trạng này xảy ra nhiều với đối tượng dân văn phòng, ngồi nhiều, ít vận động. Khi ngồi quá lâu, trọng lượng của nửa trên cơ thể sẽ dồn về cột sống và điểm chịu áp lực lớn nhất là cổ, lưng, đốt sống thắt lưng. Do đó, người bệnh thường có cảm giác đau mỏi cơ vai gáy thắt lưng, chuột rút, thậm chí là hoa mắt, đau đầu. Không những thế, ngồi lâu khiến tuần hoàn máu ở chân sẽ giảm, cơ mông, hông ngày càng trở nên kém linh hoạt, xương dần mỏng đi, giòn và dễ gãy hơn.
Chuyên gia khuyến cáo những người làm việc văn phòng ngồi nhiều nên siêng hoạt động, tốt nhất là 30 phút nên đứng dậy đi lại, vận động một lần.
Cuối cùng là việc lạm dụng thuốc giảm đau. Theo bác sĩ Thủy, đau nhức xương khớp là căn bệnh phổ biến hiện nay, thường xuất hiện sau tuổi 30 và nặng dần theo thời gian. Người bệnh xương khớp phải chịu đựng những cơn đau âm ỉ, nhất là khi thời tiết thay đổi, gây ra các triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ, uể oải, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Mỗi khi bị đau nhức xương khớp, nhiều người tìm đến thuốc giảm đau để mau chóng đẩy lùi cơn đau. Tuy nhiên, các loại thuốc giảm đau kháng viêm chỉ giúp giảm triệu chứng đau tạm thời mà không có khả năng chữa bệnh từ gốc, tức không tác động được đến sụn khớp và xương dưới sụn, nhưng lại làm lu mờ triệu chứng bệnh khiến người dùng chủ quan, dẫn đến bệnh diễn tiến nặng hơn.
Ý kiến ()